Nâng cao chất lượng giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát

Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và quyết định các vấn đề của địa phương do luật định là hai chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân (HĐND).

Những năm qua, HĐND các cấp tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, kịp thời kiến nghị, đề nghị các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chuyển biến rõ nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND đã giúp các cơ quan dân cử địa phương thống nhất, chuẩn hoá, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát.


Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Thị Hà trình bày tham luận tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thành phố (ngày 01/8/2024).

Thực hiện quy định tại Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH, Thường trực HĐND tỉnh đã xác định việc xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND là nội dung quan trọng, phải được xem xét trực tiếp tại phiên họp của Thường trực HĐND và phiên họp toàn thể của HĐND. Tại kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh đã xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND theo trình tự: Đại diện Thường trực HĐND trình bày báo cáo; HĐND thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, trên cơ sở nghiên cứu kỹ báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh để thảo luận, nội dung trọng tâm vào những kiến nghị chưa được xem xét giải quyết dứt điểm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát báo cáo, giải trình; HĐND tỉnh kết luận việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Kết quả đó đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của HĐND trong bộ máy nhà nước tại địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua theo dõi kỳ họp của HĐND các huyện, thành phố và một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho thấy còn một số hạn chế như: Việc theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND có lúc chưa thường xuyên; việc tổng hợp các kiến nghị tại báo cáo chưa đầy đủ, còn thiếu kết quả thực hiện các kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra của các Ban; trình tự, thủ tục thực hiện còn lúng túng, có địa phương đưa báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát vào tài liệu tự nghiên cứu hoặc chỉ đọc báo cáo tại phiên họp nội bộ, không thực hiện thảo luận tại kỳ họp; thậm chí có HĐND một số xã chưa thực hiện nội dung này.


Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chụp ảnh với Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND huyện, thành phố.

Để thực hiện tốt hoạt động giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh trao đổi một số kinh nghiệm và giải pháp trong thời gian tới như sau:

1. Kinh nghiệm

Một là, thường xuyên theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND phải thường xuyên rà soát, xem xét việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thông qua việc yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo kết quả thực hiện. Khi nhận được báo cáo cần xem xét một cách kỹ lưỡng kết quả thực hiện từng kiến nghị. Trên cơ sở đó cần phân loại ra có bao nhiêu ý kiến đã được giải quyết xong, bao nhiêu ý kiến đã được xem xét nhưng chưa giải quyết dứt điểm, bao nhiêu ý kiến chưa được giải quyết...

Hai là, tổ chức giám sát chuyên đề việc giải quyết kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Trên cơ sở phân loại việc giải quyết các kiến nghị, nếu xét thấy cần thiết HĐND có thể tổ chức cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Việc tổ chức giám sát chuyên đề thực hiện như các cuộc giám sát chuyên đề khác, gồm mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng giám sát... Kết thúc cuộc giám sát có báo cáo kết quả giám sát gửi các cơ quan chịu sự giám sát.

Ba là, xem xét trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát tại cuộc họp của Thường trực HĐND, kỳ họp HĐND. Hằng năm, vào tháng 3, tháng 8 hoặc trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND, các Ban HĐND có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát và kiến nghị trong báo cáo thẩm tra. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, bộ phận giúp việc của HĐND các cấp tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp tại phiên họp gần nhất. Trong đó làm rõ nội dung chưa thực hiện được hoặc thực hiện không đúng yêu cầu.

Thường trực HĐND xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu tại phiên họp của Thường trực HĐND. Căn cứ kết quả cuộc họp, Thường trực HĐND xem xét, quyết định việc ban hành kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hoặc báo cáo HĐND.

HĐND xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND theo Điều 27 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH. HĐND ban hành nghị quyết hoặc kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

2. Giải pháp

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của HĐND các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Chỉ có nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của việc này mới thực hiện đúng chức năng được Hiến pháp và pháp luật giao cho HĐND.

Thứ hai, thực hiện đúng, đủ các nội dung theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH. Bước thứ nhất là phải xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát tại cuộc họp của Thường trực HĐND; bước thứ hai là đánh giá kết quả việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại kỳ họp HĐND.

Thứ ba, việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được thực hiện công khai tại phiên họp của Thường trực HĐND và phiên họp chính thức của HĐND. Kết quả việc xem xét trách nhiệm các cơ quan, tổ chức phải được thể hiện bằng văn bản (nghị quyết hoặc kết luận) trong đó nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục