Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

Chiều ngày 31/3/2025, tại phòng họp Thăng Long – Nhà Quốc hội (Thành phố Hà Nội), Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, Uỷ viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban Công tác đại biểu Trần Văn Lâm chủ trì Hội thảo.


Quang cảnh hội thảo.

Cùng dự có các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân, Sở Nội vụ 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình…); đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Công tác đại biểu, Vụ Dân nguyện và Giám sát, Uỷ ban Công tác đại biểu.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Đại biểu tỉnh Tuyên Quang dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tăng Thị Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh.

Đây là Hội thảo thứ 3, được tổ chức sau Hội thảo lấy ý kiến vào ngày 20/3/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh (khu vực phía Nam), ngày 24/3/2025 tại thành phố Đà Nẵng (khu vực miền Trung - Tây Nguyên).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là vấn đề về tổ chức bộ máy.


Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà tham dự hội thảo.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được sửa đổi và hợp nhất năm 2015. Đây là đạo luật quan trọng quy định về quyền bầu cử, ứng cử, là một trong các quyền chính trị cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành trên cơ sở thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức lại các đơn vị hành chính; những nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là điều chỉnh đơn vị hành chính ở địa phương và việc rút ngắn thời gian thực hiện một số quy trình, thủ tục bầu cử nên có tác động lớn đến các cơ quan tham gia tổ chức bầu cử ở cả Trung ương và địa phương.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 57/98 điều, giữ nguyên 41/98 điều; đề xuất xác định tên gọi của dự thảo Luật: “Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)”; sửa đổi một số nội dung: (1) Dự kiến sửa đổi 27 điều liên quan đến nội dung không tổ chức cấp huyện, theo đó không quy định các nội dung liên quan đến cấp huyện như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện… đồng thời điều chỉnh một số quy định liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện. (2) Sửa đổi 22 điều liên quan đến các quy định rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đặc biệt từ thời điểm nộp hồ sơ ứng cử; giảm thời gian công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp… (3) Kết hợp sửa đổi, bổ sung 06 điều, khoản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động trong 02 cuộc bầu cử gần đây có phát sinh vướng mắc, bất cập. (4) Sửa 02 điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn về cơ cấu, thành phần của Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử và hướng dẫn chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.


Đại biểu dự hội thảo.

Từ dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 03 nội dung chính: (1) Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, đặc biệt là việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở (bao gồm xã, phường, đặc khu), các đại biểu cho ý kiến về việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện. (2) Về quy định rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đặc biệt từ thời điểm nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử. (3) Phân tích ưu điểm, hạn chế của từng phương án tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai ở trung ương để lựa chọn phương án tối ưu.

Tại hội thảo, đã có 16 lượt đại biểu thảo luận, các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao đối với sự cần thiết sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong bối cảnh hiện nay để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước, đồng thời, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến một số nội dung liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như: Xác định khu vực bỏ phiếu; cơ cấu, số lượng đại biểu; số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử; sửa đổi các quy định nhằm rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử; thời gian bắt đầu và kết thúc bỏ phiếu; các quy định về: quyền tự ứng cử, nơi cư trú của người ứng cử, xác định thành phần cử tri, các hình thức vận động bầu cử; phân bổ số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu đến từng cơ quan, đơn vị; thời gian bỏ phiếu…; hướng dẫn cụ thể về lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú; hướng dẫn chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; việc cải tiến quy trình, thủ tục bầu cử khi thực hiện sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…


Đại biểu dự hội thảo.

Đại diện tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn đã tham gia góp ý đối với 08 nội dung trong dự thảo Luật về: Dự kiến số lượng ứng viên ứng cử Hội đồng nhân dân; dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu tại địa phương; xác định khu vực bỏ phiếu; xem xét giao Ủy ban bầu cử cùng cấp quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử; Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai ở trung ương; quy định về Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri; rà soát việc sử dụng thống nhất các cụm từ trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bầu cử để bảo đảm chính xác, kịp thời; qua đó nghiên cứu rút ngắn thời gian, giảm bớt một số khâu, cấp trung gian trong hoạt động bầu cử khi các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, địa bàn các xã, các tỉnh được mở rộng sau sáp nhập.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Tạ Thị Yên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm nghiên cứu của các đại biểu; các ý kiến thảo luận có sự thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031.

Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục

EMC Đã kết nối EMC