Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy thảo luận tại tổ về Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm

Chiều ngày 30-5, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 11 đã chủ trì thảo luận tại tổ về Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận về Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các vị đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết với những lý do như được nêu tại Tờ trình số 485/TTr-UBTVQH15. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng tình với tên gọi như dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số nội dung quy định về báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm; về cung cấp các thông tin của người được lấy phiếu tín nhiệm; về các hành vi bị nghiêm cấm; đề nghị quy định trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để phù hợp với Điều 10, Điều 11 dự thảo nghị quyết...

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cơ bản nhất trí để thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù, nhưng đề nghị cần có những quy định chặt chẽ để quản lý phù hợp; đề nghị cần quan tâm và quản lý chặt chẽ việc đầu tư, mở rộng đường nội đô theo phương thức BOT...


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp tổ.

Tham gia thảo luận, Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết 85/QH13 của Quốc hội khóa XIII, đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và tham gia một số nội dung cụ thể:

Về Quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 2): Đại biểu cho rằng, hiện nay trên thực tế có rất nhiều tình huống sảy ra đối với việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn, như: Một số cán bộ lấy phiếu tín nhiệm mới được bầu, phê chuẩn nhưng chưa đủ thời gian công tác, làm việc để Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá, lấy phiếu hoặc là có một số trường hợp bị bắt, bị tạm giam để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, hoặc là một số trường hợp sắp đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm thì lại xin nghỉ việc, xin thôi nhiệm vụ hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc có thể bổ sung thêm một Điều mới quy định cụ thể về các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu đề nghị bỏ khoản 4, Điều 2 với lý do quy định các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện rõ ràng, cụ thể tại khoản 1,2,3 Điều này.

Tại Khoản 5, Điều 2, ngoài nội dung quy định đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm các đối tượng, gồm: Trường hợp mới được bầu, phê chuẩn, thời gian bầu, phê chuẩn dưới 12 tháng (hoặc 6 tháng) và trường hợp bị bắt, bị tạm giam để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự.

Về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 7): Tại khoản 4 có quy định “Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Quốc hội, HĐND trước kỳ họp”. Theo đại biểu, quy định thời điểm “trước kỳ họp” chưa cụ thể và rõ ràng để các đơn vị căn cứ triển khai hiệu quả. Hơn nữa nếu quy định trước kỳ họp thì cũng chưa phù hợp với các quy định khác, do vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời gian thực hiện theo hướng điều chỉnh thành “chậm nhất 5 ngày trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm”, đồng thời nên bỏ cụm từ “Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, vì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã bao gồm chủ thể trên.

Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm: Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ”, đại biểu đề nghị mỗi nhiệm kỳ Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 2 lần: Lần 1 vào thời điểm cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, lần 2 vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ; hoặc lần 1 vào thời điểm đầu năm thứ 3, lần 2 vào đầu năm thứ 5 của nhiệm kỳ. Vì nếu lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/ nhiệm kỳ thì sẽ có nhiều đối tượng không được lấy phiếu tín nhiệm, hơn nữa, mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm 2 lần sẽ giúp cán bộ lãnh đạo “tự soi, tự sửa”, lấy phiếu để đánh giá và thấy được việc điều hành, thấy được sự tín nhiệm của mình đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác... và đây cũng là một cơ sở quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với mức độ tín nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cũng như thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ nói chung. Hơn nữa, nếu lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ thì cũng thuận lợi cho việc các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo dõi việc khắc phục những hạn chế của các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó sẽ được đánh giá lại sự tín nhiệm và cũng là tạo điều kiện để các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm khắc phục để lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 được cải thiện về mức độ tín nhiệm, đây cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá, lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục