Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội

Sáng 4/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai hội nghị trực tuyến Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2022. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội Chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Ảnh Ngọc Hưng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp. Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội khóa XV đều khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Năm 2021, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã không tiến hành giám sát chuyên đề và chất vấn tại các phiên họp  của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Quốc hội tiến hành chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư; lao động, thương binh và xã hội; Y tế; Giáo dục và đào tạo. Về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường.

Năm 2022, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo, chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Ủy Ban thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề:  “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến này 01/07/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021”. Các nội dung trong chương trình giám sát phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương; tỉnh, thành nào làm ở tỉnh, thành đó và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau, tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và hậu giám sát. Giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức và kiến nghị, đề xuất sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện tốt 4 chuyên đề hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Trong đó, cần làm rõ việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gắn liền với kết quả thực thi pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục