Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm và các đại biểu thảo luận tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Dự buổi thảo luận tổ có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Góp ý về Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: các đại biểu thống nhất sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; nhất trí với nội dung Tờ trình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội. Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với các khâu đột phá và Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Chính phủ cần tập trung hoàn thiện xây dựng các thể chế để khai thác nguồn lực ngoài xã hội trong cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thuý đề nghị bổ sung quan điểm Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đồng thời đề nghị phân tích thêm tình hình dịch bệnh Covid hiện nay, và các tác động ảnh hưởng xấu của Covid, từ đó bổ sung thêm các quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam trong Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế. Về tiêu chí tự chủ Đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước, đại biểu cho rằng trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid mà chúng ta tiến hành thực hiện tự chủ 10% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thì khó có thể đạt được, và nếu cố đạt được mục tiêu này thì tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập khó có thể bền vững và phát triển. Vì vậy, đề nghị xem xét giảm chỉ tiêu này xuống khoảng từ 5- 8% đến năm 2025; đề nghị tiêu chí Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là dưới 6-8%.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị cần đánh giá sâu hơn và có giải pháp phù hợp, thích ứng trong thời kỳ dịch bệnh; đồng thới, đánh giá nguyên nhân của các hạn chế trong giai đoạn 2016-2020 để có giải pháp phù hợp để giải quyết nợ xấu trong các tổ chức tín dụng, đảm bảo khả năng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế…
Góp ý về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2010-2020: Đại biểu Chẩu Văn Lâm đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số chỉ tiêu đạt hiệu quả sử dụng thấp như: Đất văn hoá; đất bãi thải, xử lý chất thải… nguyên nhân nào dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả quỹ đất này, để khắc phục hạn chế trong giai đoạn tới; đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế xã hội hóa để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, nếu chính sách phù hợp thì có thể thu hút được nguồn lực xã hội hóa, sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn các quy hoạch trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, xử lý rác thải; đề nghị cần làm rõ mục đích chuyển đổi diện tích đất lúa giai đoạn 2021-2030 đã nêu trong báo cáo, tránh tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện; đánh giá cụ thể về hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường đã bàn giao cho địa phương, nhân dân sử dụng; làm rõ mục đích chuyển đổi đối với gần 30 nghìn ha đất rừng phòng hộ…; trong tổ chức thực hiện quy hoạch, đại biểu đề nghị Chính phủ nên có cơ chế phân cấp đối với từng loại đất, phân cấp mạnh hơn thẩm quyền thuộc địa phương theo diện tích cụ thể để địa phương dễ triển khai thực hiện, đồng thời vẫn kiểm soát được theo chỉ tiêu phân bổ của từng địa phương.
Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị chính phủ phân tích nguyên nhân một số loại đất chỉ tiêu đạt dưới 50% như: đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải, để có kế hoạch sử dụng đất 5 năm, 10 năm sát hơn, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi…; Về đất rừng phòng hộ, đề nghị làm rõ, giải trình cụ thể về việc giảm diện tích đất rừng phòng hộ của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (giảm 30,4 nghìn ha so với năm 2020) và Vùng Đông Nam Bộ (giảm 5,54 nghìn ha), trong khi đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ. Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất theo hướng phân khu chức năng một số loại đất, như đất quốc phòng, an ninh, đất lúa liên quan đến an ninh lương thực, đất rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn thì phải quy hoạch bảo vệ nghiêm ngặt; một số loại đất khác như: đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất kinh doanh… Đồng thời quy định việc xử lý đối với các dự án phát sinh mà chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo từng trường hợp cụ thể (về vị trí, quy mô, chỉ tiêu quy hoạch) để làm căn cứ triển khai thực hiện các dự án, nhất là địa bàn cần ưu đãi đầu tư.
Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ có đánh giá sâu hơn về những nguyên nhân, chỉ tiêu đã được Quốc hội khóa XIV thông qua nhưng chưa đạt (đất Quốc phòng, đất cơ sở thể thao, đất cơ sở văn hóa…); bổ sung đất ở tại nông thôn, đất nghĩa trang…vào một nhóm chỉ tiêu trong Báo cáo. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét, quy hoạch bãi rác, khu xử lý rác thải theo tỉnh, liên vùng để thuận lợi cho các Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này./.