Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10 tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh, đã phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo dự án Luật Kinh Doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà tán thành cao với sự cần thiết cần phải ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với những lí do đã được trình bày rất rõ tại tờ trình của Chính phủ, đồng thời đóng góp ý kiến vào một số nội dung của dự thảo Luật, cụ thể:

Về nội dung của Hợp đồng bảo hiểm: Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Đây là điều khoản quy định những hành vi pháp lý mà các bên được thực hiện, không được thực hiện hoặc phải thực hiện để đảm bảo các nội dung của hợp đồng được thực thi trên thực tế, cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh (nếu có) về sau, đồng thời phù hợp với quy định về nội dung của hợp đồng nêu tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: Đại biểu cho rằng dự thảo quy định chưa rõ ràng, chưa thực sự chặt chẽ, Điều 16 dự thảo không liệt kê các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, Điều 38 quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thỏa thuận với bên mua bảo hiểm về trường hợp không phải trả tiền bảo hiểm ngoài các trường hợp quy định của luật. Quy định như vậy rất rủi ro cho bên mua bảo hiểm, là khe hở pháp lý trong việc doanh nghiệp bảo hiểm tuỳ nghi đưa ra các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để thoả thuận với người mua bảo hiểm, trong khi người mua bảo hiểm vì thông thường không có nhiều kiến thức pháp lý về bảo hiểm để có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại và quy định theo hướng có thể liệt kê các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại 1 điều hoặc nếu không thì tại Điều 16 có dẫn chiếu đến các điều trong dự thảo có quy định về nội dung này để đảm bảo việc áp dụng luật về nội dung này được thống nhất và chặt chẽ.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin (Điều 17): đại biểu đề nghị bổ sung người được bảo hiểm, người thụ hưởng vào đối tượng được bảo mật thông tin với lý do có trường hợp bên mua bảo hiểm không phải là bên được bảo hiểm, bên thụ hưởng, trong khi đây là các thông tin liên quan đến nhân thân, do vậy cần phải được sự đồng ý của họ trước khi cung cấp. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm bảo mật thông tin đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm, hiện nay dự thảo luật chưa nêu.

Về các trường hợp không trả tiền bảo hiểm: Điều 38 quy định Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp “Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng”, mà không nhắc đến trường hợp do chính người được bảo hiểm cố ý gây ra để trục lợi bảo hiểm (hành vi này đã được bộ luật hình sự quy định trách nhiệm pháp lý). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, xem xét lại nội dung này tránh hành vi gian lận để trục lợi bảo hiểm.

Về Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Điều 75: Đề phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động khi bị tách doanh nghiệp. Vì theo quy định của luật doanh nghiệp 2020 việc doanh nghiệp thực hiện tổ chức lại theo hình thức tách doanh nghiệp không làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

Về Bảo hiểm vi mô: Đại biểu đồng tình với sự cần thiết quy định “Bảo hiểm vi mô” trong dự thảo Luật, đây là nội dung mang tính nhân văn vì hướng tới bảo vệ các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại dự thảo chỉ dành 2 Điều cho nội dung này nên các nội dung quy định chưa được đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo thực thi hiệu quả trên thực tế, đại biểu đề nghị các nội dung trọng yếu như: tiêu chí, điều kiện của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ; việc quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ hay quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cần phải được quy định trong luật giống như các loại hình bảo hiểm khác trong dự thảo thay vì giao cho Chính phủ quy định các nội dung này./.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục