Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai góp ý kiến dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. |
Đại biểu Âu Thị Mai đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự án Luật, đại biểu cho rằng tại Điều 3 quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động có sự trùng lắp với quy định của Luật Công an nhân dân, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù, thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thể hiện vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt có vai trò nòng cốt, chuyên trách, tinh nhuệ, hiện đại trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác trong công an nhân dân; đề nghị xem xét, tích hợp nội dung của Điều 5 (Xây dựng Cảnh sát cơ động) vào chương IV, quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát cơ động; khoản 2, Điều 9, đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, gồm: Cứu người và phương tiện đang gặp nguy hiểm; Vô hiệu hóa các vũ khí, phương tiện, vật liệu cháy nổ đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện và môi trường; Tạm giữ khẩn cấp người và phương tiện tham gia phạm pháp có dấu hiệu tội phạm đang có nguy cơ bỏ trốn khỏi hiện trường, để đảm bảo đầy đủ nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.
Về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, đại biểu thống nhất với phương án 1 của dự thảo với lý do: Việc giao Bộ Công an quy định chi tiết về Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định, lâu dài của văn bản Luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời giúp cho thực hiện cơ cấu tổ chức của Cảnh sát cơ động được chủ động, linh hoạt hơn;
Liên quan đến nội dung Huy động người, phương tiện, thiết bị quy định tại Điều 17 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách, vì đây là nội dung liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, do đó cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể; đồng thời, đề nghị bổ sung 1 khoản quy định “Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 3, Điều 17” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Cảnh sát cơ động áp dụng quy định này khi thực hiện nhiệm vụ, cũng như bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được đề nghị hỗ trợ, đồng thời phù hợp với các quy định của Luật Công an nhân dân về nguyên tắc, hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Về chính sách tuyển chọn công dân vào lực lượng cảnh sát cơ động, đại biểu Âu Thị Mai cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung thêm quy định “Ưu tiên tuyển chọn cánh sát cơ động là người dân tộc thiểu số” vì địa bàn miền núi rất rộng và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống, khi tuyển dụng được người dân tộc thiểu số họ vừa nắm được địa bàn, vừa thông thạo tiếng dân tộc, hiểu biết về phong tục tập quán địa phương sẽ rất thuận lợi cho cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, đồng thời nâng cao cảnh giác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tránh được kẻ xấu lợi dụng kích động, chống phá và cũng giúp cho việc bảo vệ an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.