Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước và Luật Viễn thông (sửa đổi)

Sáng ngày 10-6, Quốc hội thảo luận tại các tổ đại biểu về dự án Luật Căn cước và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Tổ phó Tổ thảo luận, chủ trì thảo luận tại Tổ đại biểu số 11 gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang.


Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tổ.

Về dự thảo Luật căn cước, các đại biểu Quốc hội thuộc tổ thảo Luận số 11 thống nhất với dự cần thiết ban hành Luật với các lý do như tờ trình của Chính phủ. Đồng thời đề nghị không đưa vào Luật  những thông tin, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, thông tin không ổn định; cần làm rõ lý do, tác động thay đổi thông tin trong thẻ căn cước; làm rõ hơn những thông tin sinh trắc học, có cơ chế để đảm bảo xác thực thông tin; các đại biểu cũng tập trung góp ý vào các quy định bảo mật thông tin, an toàn thông tin, quy định về căn cước công dân đối với trẻ dưới 14 tuổi..

Về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi luật như tờ trình của Chính phủ, đồng thời quan tâm góp ý một số nội dung như: Đề nghị không đưa vào dự thảo luật về quản lý 3 dữ liệu mới (trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT) mà giao Chính phủ quy định chi tiết sẽ linh hoạt hơn; nên duy trì quỹ viễn thông công ích, vì quỹ này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho vùng sâu, vùng xa trong việc phủ sóng để hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về giáo dục; về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể giải pháp để khắc phục khó khăn trong chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp với nhau; bổ sung quy định cụ thể hơn về đánh giá kho số viễn thông internet; cân nhắc bổ sung nội dung liên quan đến xác lập cơ sở pháp lý về thu hồi kho số viễn thông....


Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tham gia ý kiến.

Góp ý vào dự thảo Luật Căn cước, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như tờ trình của Chính phủ, dự án Luật ban hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Về tên gọi của dự án Luật: Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất với tên gọi điều chỉnh từ tên “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”, việc điều chỉnh tên gọi như vậy sẽ bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân.

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7): đại biểu đồng tình việc bổ sung nội dung này trong dự thảo luật. Vì trong thời gian qua, rất nhiều người Việt Nam sang các nước lao động theo con đường chính ngạch, tiểu ngạch... sau đó có thể lấy nhau, sinh con tại nước ngoài, về Việt Nam một phần là ở khu cửa khẩu, con cái không có giấy tờ... để tạo điều kiện cho họ có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống và có việc làm, con em được đến trường và bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, đối với các đối tượng này, đại biểu băn khoăn có nên quy định về tiêu chí, điều kiện để cấp giấy chứng nhận hay không? Quy định như thế nào... có tích hợp đầy đủ các thông tin hay không? Hay chỉ nên quy định một phần thông tin... đề nghị cần xem xét cụ thể.

Về Thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10); thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16): đại biểu băn khoăn có nên quy định bắt buộc một loại như dự thảo Luật hay không? hay chỉ cần quy định một số thông tin theo yêu cầu của công dân. Hay là những thông tin nào chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định, vì hiện nay còn quản lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20): tại khoản 2, đại biểu cho rằng, mặc dù người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu (tức là không bắt buộc đối tượng này), tuy nhiên các đối tượng này về nhu cầu sử dụng thẻ căn cước khả năng là rất ít... chủ yếu các giao dịch vẫn thực hiện thông qua người đại diện như bố, mẹ... Đề nghị nên có đánh giá thêm về quy định để có căn cứ đưa vào luật.

Quy định tại Điều 23 dự thảo Luật về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước: theo đại biểu, nếu tích hợp được sẽ giảm giấy tờ cho công dân trong đi lại, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đại biểu cũng lo lắng việc bảo vệ bí mật đời tư của công dân như thế nào? hay là nếu như mất thẻ và chờ đến khi khai báo để cấp lại... Đề nghị quy định cụ thể.

Đối với Luật Viễn thông (sửa đổi), về quỹ viễn thông công ích, đại biểu đồng tình với phương án 1: Duy trì quỹ viễn thông công ích. Đại biểu cho rằng, việc duy trì quỹ này là rất cần thiết cho các tỉnh miền núi, đặc biệt với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư sinh sống dải rác.. đại biểu mong muốn duy trì quỹ để trung ương có điều tiết chung, hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn lắp đặt các trạm phát sóng viễn thông.

Đất sử dụng công trình viễn thông (Điều 64): Đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ việc giao đất cho công trình viễn thông. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 149/NQ-CP, Nghị quyết phiên họp tháng 9/2020 của Chính phủ, tại mục 10, Chính phủ cho phép duy trì các trạm phát sóng hiện có trên đất công (không cho phép xây dựng mới). Việc duy trì và phát triển mới của tất cả các nhà mạng đều gặp khó khăn đặc biệt là với các địa bàn thuộc quản lý của các nhà máy công nghiệp, các khu công nghiệp, các nông lâm trường. Lý do để đảm bảo thiết kế kỹ thuật, các nhà mạng đều quy hoạch vị trí trạm theo dạng mắt lưới - khoảng cách cho phép xê dịch vị trí đặt trạm theo thiết kế chỉ vài trăm mét, trong khi các khu vực đất này đều có quy mô rộng hàng chục ha, Doanh nghiệp viễn thông không có lựa chọn thuê khác đối với chủ sử dụng đất... hơn nữa, trong dự thảo mới của Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này cũng đã quy định về nội dung trên, do đó đề nghị chỉnh sửa cho phù hợp giữa các Luật.


Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu tham gia ý kiến.

Đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, đồng tình với việc sửa đổi Luật Căn cước, đồng thời tham gia góp ý một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự án, cụ thể:

Tại khoản 3, Điều 4 về nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước: đại biểu cho rằng, khoản 3 chưa quy định việc bảo mật, bí mật thông tin, mới chỉ quy định an toàn về dữ liệu, do vậy đề nghị bổ sung quy định về công tác đảm bảo bí mật thông tin cá nhân vào dự thảo luật; tại Điều 7 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn đối với nội dung liên quan đến con ruột, cháu ruột của người gốc Việt Nam.

Để đảm bảo tính logic trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị tại Điều 10 về Thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuyển khoản 9 “Quốc tịch” lên sát khoản 4 “Giới tính"; Điều 19 về Nhận diện của thẻ căn cước công dân điện tử: Đề nghị chuyển điểm m) “Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng” lên cùng điểm d) “ Ảnh khuôn mặt” ...

Về địa chỉ thư điện tử: Không nên đưa dữ liệu này vào trong Luật vì địa chỉ thư điện tử không phải ai cũng có. Nếu đưa vào luật sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Khoản 5, Điều 16 về Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước: Đề nghị cân nhắc không đưa nội dung “nghề nghiệp” vào trong dự thảo Luật, vì nghề nghiệp có thể thay đổi không ổn định.

Kết luận thảo luận, đồng chí Phạm Hùng Thái nhấn mạnh, tổ thảo luận đồng tình, thống nhất cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông và Luật Căn cước. Có 10 đại biểu tham gia góp ý vào các dự thảo luật, trong đó, đối với Luật Viễn thông (sửa đổi) cần làm rõ một số nội dung như việc quản lý dịch vụ mới; bổ sung quy định về vệ tinh trùm; thống nhất quỹ viễn thông công ích; cần quy định rõ hơn về xây dựng quy hoạch viễn thông đảm bảo thống nhất giữa các Luật và phát huy hiệu quả cao; đối với Luật Căn cước, đề nghị Ban soạn thảo  tiếp thu các ý kiến đại biểu, làm rõ lý do, tác động của việc thay đổi thông tin trong thẻ căn cước, thông tin cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đối với thông tin không ổn định thì không đưa vào dự thảo Luật, cơ chế cung cấp thông tin, bảo mật thông tin, an toàn thông tin, cần làm rõ hơn những thông tin sinh trắc học, cơ chế đảm bảo xác thực...

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục