Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà đề nghị thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo quy trình hai kỳ họp

Chiều ngày 10-6, dưới sự chủ trì của chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào dự án Luật.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà thảo luận tại hội trường.

Bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình bày tại Tờ trình của Chính Phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội. Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan đã kịp thời hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp này, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung giúp cho hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này được hiệu quả hơn.

Đồng thuận cao với nhiều nội dung quy định của dự thảo Luật như: Việc luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội theo hướng kế thừa toàn bộ một số quy phạm được thực hiện hiệu quả và có tác động tích cực trong xử lý nợ xấu thời gian qua, đồng thời có chỉnh sửa một số quy phạm để đảm bảo tính phù hợp, ổn định của dự thảo luật; quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng của dự thảo luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng và ngân hàng. Đặc biệt, đã đơn giản hoá thủ tục vay với khoản cho vay tiêu dùng, nhỏ lẻ phục vụ đời sống, tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng; việc sửa đổi, bổ sung một số quy định để khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém giúp đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng cũng như góp phần ổn định kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó, trên cơ sở thực tiễn tác nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà đã tham gia góp ý nhiều nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể:

Về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm: đại biểu cho rằng, theo quy định của dự thảo, để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng phải đáp ứng nhiều điều kiện, quan trọng nhất là phải có sự đồng ý của khách hàng tại hợp đồng bảo đảm, quy định này phù hợp với nguyên tắc “tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” tại Bộ Luật dân sự hiện hành, nhờ đó quyền lợi của các bên được bảo vệ. Tuy nhiên, dự thảo luật có nêu điều kiện: tài sản bảo đảm được thu giữ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Do hiện nay không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu các thông tin trên dẫn đến điểm nghẽn trong thực hiện và tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng, do đó đại biểu đề nghị trong dự thảo có nội dung giao các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Đối với quy định về việc xác nhận đã thực hiện niêm yết văn bản thông báo thu giữ tài sản bảo đảm tại trụ sở UBND xã: đề nghị bổ sung thêm hình thức UBND xã xác nhận việc niêm yết này ngoài hình thức sử dụng dịch vụ thừa phát lại. Bởi UBND xã xác nhận sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn, tiết kiệm được chi phí, thời gian cho tổ chức tín dụng, hơn nữa hiện nay một số địa phương ở vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể chưa có dịch vụ thừa phát lại để cung ứng nên sẽ gây ách tắc trên thực tế.


Quang cảnh phiên họp thảo luận tại hội trường (chiều ngày 10/6/2023). 

Về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho một khách hàng, cho một khách hàng và người liên quan: Đề nghị cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tránh dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Bởi giải pháp cho vay hợp vốn giữa các tổ chức tín dụng hay trình Thủ tướng chính phủ quyết định mức cấp tín dụng cao hơn như dự thảo nêu đều cần có thời gian nhất định để thực hiện, trong khi hoạt động kinh doanh hàng ngày của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp, thực tế hiện nay khi chưa điều chỉnh giảm thì có doanh nghiệp gần như đã chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

Đối với quy định về cung cấp thông tin, đại biểu đề nghị luật hoá quy định khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin/tài liệu/dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và cũng phải chịu trách nhiệm với việc cung cấp các thông tin đó. Bởi chất lượng tín dụng và an toàn trong sử dụng vốn vay cần có trách nhiệm của cả bên cho vay và bên vay. Việc bổ sung quy định này góp phần tăng ý thức trách nhiệm của bên vay, giảm thiểu rủi ro gian lận cho các tổ chức tín dụng, từ đó hạn chế phát sinh các vụ án hình sự trong lĩnh vực ngân hàng.

Quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng tại Điều 125 dự thảo luật: Đề nghị làm rõ phạm vi áp dụng trong cụm từ “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em” trong điểm b khoản 1 điều này có bao gồm cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con riêng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ/cùng cha khác mẹ… như định nghĩa người liên quan tại khoản 28 Điều 4 của dự thảo. Quy định như dự thảo là chưa rõ ràng về đối tượng sẽ gây áp dụng không thống nhất dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn.

Đối với quy trình thông qua dự án luật: đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã tháo gỡ nhiều vướng mắc quan trọng, cấp thiết để hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả hơn. Tại kỳ họp này, với sự quan tâm góp ý của các đại biểu quốc hội, những nội dung cần xem xét chỉnh sửa được đưa ra thảo luận tương đối rõ. Do vậy, để đảm bảo tính liên tục, kịp thời nhất của các quy phạm pháp luật, đặc biệt là về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực trong năm nay, tránh tạo ra những khoảng trống pháp lý có thể dẫn đến rủi ro trong hoạt động kinh doanh mang tính đặc thù của các tổ chức tín dụng, đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án luật theo quy trình hai kỳ họp. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan/đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia vào dự thảo để Quốc hội có cơ sở thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm nay./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục