Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Tổ trưởng tổ thảo luận, chủ trì buổi thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Quốc hội tại tổ thảo luận nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai. Dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã được chuẩn bị công phu, khoa học và có nhiều điểm tiến bộ, có tính khả thi cao; đã luật hóa và quy định cụ thể trong dự thảo Luật nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định; đồng thời dự thảo cũng đã có nhiều quy định đổi mới để giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai hiện hành...
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tham gia ý kiến.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu tại tổ thảo luận về sự cần thiết sửa đổi Luật, các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng có nhiều ý kiến tham gia góp ý để hoàn thiện dự án Luật, cụ thể:
Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đồng tình với Báo cáo tổng hợp chung của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Đại biểu nhấn mạnh, qua đợt lấy ý kiến Nhân dân, có trên 12 triệu lượt ý kiến Nhân dân quan tâm hầu hết các nội dung dự thảo; các góp ý tập trung chủ yếu các nội dung của dự thảo như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tài chính đất đai; giá đất và chế độ sử dụng các loại đất... đã thể hiện được sự quan tâm rất lớn của Nhân dân tới dự thảo Luật và thấy được tầm quan trọng của dự án Luật để áp dụng vào cuộc sống.
Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất (Điều 158): đại biểu cho rằng, qua nhiều lần sửa đổi thì lần này dự thảo luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Tuy nhiên, quy định như vậy cũng chưa thật sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" là phải có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất, phát huy cao nhất giá trị nguồn đất đai, chính sách tài chính về đất đai, phảo bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Do đó, khi rà soát, chỉnh sửa các quy định có liên quản bảo đảm nguyên tắc này cần làm rõ “giá đất” hay là “Giá quyền sử dụng đất”... Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định tỷ lệ sai số về giá đất được xác định cho hợp đồng thẩm định giá đất, vì xác định bảng giá đất được thực hiện thông qua các mẫu số xác định ngẫu nhiên mà không thể thông qua được toàn bộ các yếu tố ảnh hưởng giá đất, dẫn đến các lần xác định giá đất khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Do đó, việc xác định trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đất tại một số vụ việc do xác định giá đất thấp hơn giá thị trường thời gian qua là chưa hợp lý, gây sức ép và tâm lý không tốt cho các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung trên vào dự thảo Luật.
Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào Dân tộc thiểu số quy định tại Điều 17 dự thảo luật: Tại khoản 3 quy định: “Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định tại khoản 1, 2 điều này”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá về hiệu lực, hiệu quả để xem xét có nên kế thừa hay không?
Đối với quy định tại khoản 4, Điều 17 quy định chính quyền địa phương ban hành chính sách về đất đai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện. Theo đại biểu, nội dung này nếu quy định như vậy là phù hợp về thẩm quyền, tuy nhiên đại biểu băn khoăn rằng nếu việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn do chưa rõ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành sẽ như thế nào; các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất đều nằm trong các tỉnh nghèo, nguồn lực, quỹ đất rất khó khăn, mức đầu tư lớn...
Quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 181 dự thảo Luật về sử dụng đất nông lâm trường bàn giao lại cho địa phương quản lý: Theo đại biểu, trong quá trình thực hiện việc bàn giao đất nông, lâm trường cho địa phương quản lý đã có nhiều vướng mắc, do vậy mà việc thu hồi đất của các Công ty nông, lâm trường quốc doanh để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất hạn chế. Theo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, đến nay mới chỉ bàn giao cho địa phương được 51,3%. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 12/2022, trong diện tích 463.088 ha có phương án bàn giao về cho các địa phương, các địa phương đã có quyết định thu hồi 257.715 ha, lập phương án sử dụng 158.045 ha, mà diện tích dự kiến giao cho các hộ gia định 10.983/158.045 ha (đạt 6,95%). Trong số hộ dự kiến giao có 1.535 hộ dân tộc thiểu số. Do vậy, kết quả này cho thấy nếu so với nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số (hơn 724.000 hộ) như vậy là quá ít. Kết quả này cho thấy là quá khó khăn khi thực hiện tại địa phương... để thực hiện thống nhất trong dự thảo luật đối với các đối tượng ưu tiên, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 181 gồm “cá nhân là người có công với cách mạng, người nghèo và dân tộc thiểu số”. Như vậy sẽ thực hiện được theo nguyên tắc của Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Các xã, thôn có đồng bào dân tộc thiểu số thì người có công, hộ nghèo (là dân tộc thiểu số) được ưu tiên trước; các xã còn lại ưu tiên người có công với cách mạng, người nghèo, nếu trong số này có dân tộc thiểu số thì người dân tộc thiểu số được ưu tiên trước”. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng là người dân tộc Kinh sinh ra và lớn lên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng từ miền xuôi lên cùng sinh sống cũng khó khăn, các chính sách khác của Nhà nước được thụ hưởng nhưng ít...
Đại biểu Quốc hội Âu thị Mai phát biểu tham gia ý kiến.
Đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở văn hóa-Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào một số nội dung, cụ thể:
Về vấn đề cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Đại biểu cho rằng, việc quy định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại khoản 7 và khoản 29, Điều 3 dự thảo Luật không bao gồm những người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác là không phù hợp, bởi thực tế ở địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn thì đối tượng hưởng lương từ ngân sách như: Cán bộ, công chức, viên chức vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp vì họ có đất nông nghiệp, thậm chí sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của gia đình. Do đó, đề nghị Dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng mở rộng về đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối (không loại trừ đối tượng hưởng lương thường xuyên).
Về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai (điều 20): đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định vai trò, trách nhiệm tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, vì đa số các dự án này sử dụng diện tích đất và số dân phải di dời nhiều nên rất cần phải có sự tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (Điều 88): Đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm của ban thực hiện cưỡng chế trong vấn đề xử lý tài sản trên đất thu hồi, trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản trong điều kiện bình thường; đối với tài sản dễ hư hỏng, phải bảo quản có điều kiện; chi phí bảo quản tài sản phải do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán.
Về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Khoản 4, Điều 93 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định đối với trường hợp đất đang tranh chấp chưa giải quyết dứt điểm của cơ quan có thẩm quyền thì tiền bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt được gửi vào tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư mở tại Ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ theo lãi suất không kỳ hạn tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.
Về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Điều 127): đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn quy định tại điểm a, khoản 4, có thể áp dụng quy định này trong trường hợp diện tích đất Nhà nước quản lý quy mô nhỏ, chiếm tỷ lệ không lớn trong toàn bộ dự án; trường hợp diện tích đất Nhà nước quản lý lớn, chiếm tỷ lệ cao trong dự án thì không thể áp dụng đối với quy định như dự thảo Luật, vì nếu áp dụng quy định như dự thảo Luật sẽ dễ bị lợi dụng chính sách này nhằm mục đích trục lợi và thiếu công bằng với những dự án khác.
Góp ý vào dự thảo Luật, đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ đề nghị: sửa đổi tên Điều 10 “Phân loại đất” thành “Phân loại mục đích sử dụng đất” hoặc “Phân loại đất theo mục đích sử dụng”; nghiên cứu căn cứ của việc phân loại đất dựa trên bản chất mục đích sử dụng đất; có quy định về loại đất cho cơ sở thí điểm trong lĩnh vực y tế....; dự thảo Luật quy định về hỗ trợ hướng tới các cá nhân bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa tính đến việc hỗ trợ các cơ sở xã hội, tổ chức hoạt động phi lợi nhuận (như các tổ chức giúp người khuyết tật, người già, trẻ em, cơ sở cai nghiện...), đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo cho nhóm đối tượng; nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ em thuộc diện Bảo trợ xã hội...
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tổ trưởng tổ thảo luận khẳng định: Về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất theo thị trường, tuy nhiên, quá trình xã định giá đất phải hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, Doanh nghiệp và người dân; việc phân cấp để giải quyết vấn đề đất đai cần phải đồng bộ, chặt chẽ nhiều hơn, cần có chế tài cho cấp tỉnh được quyền chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng phải theo kế hoạch, chỉ tiêu đất được giao. Đề nghị kết thúc kỳ họp, cơ quan soạn thảo phải tổng hợp, công khai đầy đủ các ý kiến đại biểu tham gia tại kỳ họp thứ 5 để có cơ sở sang các kỳ họp tiếp theo, các đại biểu Quốc hội theo dõi, xem các nội dung góp ý đã được tiếp thu đầy đủ chưa, nhưng nội dung không được tiếp thu cũng cần giải thích để đại biểu có cơ sở giải thích cho người dân..
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự./.