Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra báo cáo trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

Hoạt động thẩm tra báo cáo trình tại kỳ họp HĐND là một hình thức giám sát của các Ban HĐND, được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Thẩm tra báo cáo là việc đánh giá về sự phù hợp của dự thảo báo cáo với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực tiễn kết quả đạt được. Việc thẩm tra được thực hiện trước mỗi kỳ họp thường lệ, báo cáo tại kỳ họp và là kênh thông tin để HĐND thảo luận tại nghị trường về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; việc thực hiện nhiệm vụ của UBND, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; là một trong những cơ sở để cấp uỷ, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ngành, lĩnh vực trong thời gian tiếp theo.


Toàn cảnh cuộc họp thẩm tra báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hòa, tạo điều kiện tốt nhất để các Ban HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác thẩm tra các báo cáo góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh cũng như chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nói chung. Trong năm 2024, các Ban của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thẩm tra đối với 22 Báo cáo do UBND tỉnh và các cơ quan liên quan trình theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Thực tiễn hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh có nhiều đổi mới nổi bật với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với quy định pháp luật ở từng khâu, từng bước: trước thẩm tra, trong quá trình thẩm tra, sau thẩm tra, đã mang lại hiệu quả rõ nét, cụ thể:

Công tác chuẩn bị thẩm tra: đây là khâu có vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu quả của công tác thẩm tra. Các Ban của HĐND không thụ động chờ đến thời điểm các cơ quan trình gửi tài liệu kỳ họp, mà ngay từ đầu đại biểu chuyên trách ở các ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND, tham gia các cuộc họp do các ngành, các cơ quan tổ chức để nắm bắt, thu thập thông tin, tham gia góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo báo cáo.


Các ban HĐND tỉnh họp thẩm tra các dự thảo báo cáo, nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIX..

Đặc biệt, từ kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề thực tế tại các địa phương, đơn vị, các Ban có thêm thông tin, cơ sở để phản biện những kết quả được đánh giá chưa phù hợp, nhất là đối với các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để có thêm thông tin từ kết quả các cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra do các cơ quan tiến hành có liên quan đến nội dung thẩm tra. Kết quả các cuộc kiểm tra, giám sát, khảo sát là căn cứ đánh giá sự việc một cách khách quan, sát tình hình hơn, đặc biệt là đối với các dự thảo báo cáo có tác động đến phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống, an sinh xã hội trên địa bàn để có nhận định chính xác, khách quan, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp.

Trong thẩm tra: Tuân thủ đúng quy định chung về thẩm tra được nêu tại Điều 111 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phiên thẩm tra được bố trí thời gian phù hợp, trong đó dành thời gian cho các thành viên các Ban nêu vấn đề, trao đổi, phản biện; cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ các nội dung theo yêu cầu của các thành viên dự họp, đặc biệt là tập trung vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau (thẩm tra báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, về giải quyết kiến nghị của cử tri, các báo cáo của các cơ quan tư pháp được bố trí trong 01 buổi). Ý kiến các thành viên quan tâm xem xét tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ, phát biểu ý kiến có căn cứ, nhất là các ý kiến phản biện, làm rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế, kiến nghị đối với nội dung chưa phù hợp. Kết luận của chủ trì cụ thể, rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết, quy định cụ thể thời gian hoàn thành việc chỉnh sửa, bổ sung. Cuộc họp thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh được ghi biên bản, các nội dung thẩm tra được thể hiện cụ thể trong báo cáo thẩm tra và phù hợp với kết quả, ý kiến kết luận tại cuộc họp thẩm tra.

Sau thẩm tra: Các ý kiến tham gia tại phiên thẩm tra được tổng hợp, là cơ sở để UBND tỉnh chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo báo cáo trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND được chuẩn bị công phu, chất lượng, chú trọng những nội dung cần lưu ý, những đề xuất, kiến nghị cụ thể, trọng tâm, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sát với thực tế của địa phương, là căn cứ quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và quyết định các nội dung trình tại kỳ họp

Từ thực tế hoạt động thẩm tra báo cáo trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thẩm tra các báo cáo, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, các Ban HĐND thường xuyên phối hợp, tham gia với UBND, đơn vị soạn thảo ngay từ đầu quá trình xây dựng báo cáo để sớm tiếp cận, xem xét toàn diện, xuyên suốt những nội dung liên quan đến công tác thẩm tra sau này.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề để có căn cứ thẩm tra các báo cáo một cách hiệu quả, có tính phản biện cao. Đối với các báo cáo qua thẩm tra mà cơ quan chủ trì tham mưu thuyết minh, giải trình còn những vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất, phù hợp với thực tế thì yêu cầu ngành, UBND bổ sung, làm rõ, nhất là các chỉ tiêu nghị quyết của HĐND; các chương trình lớn về phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; cơ chế, chính sách ...

Thứ ba, để chuẩn bị cho việc thẩm tra, đại biểu phải thường xuyên, tích cực nghiên cứu các văn bản pháp luật mới ban hành; đồng thời cập nhật thông tin qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng.... Quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu cần đối chiếu so sánh nội dung của báo cáo với các tài liệu khác có liên quan.

Thứ tư, tranh thủ ý kiến chỉ đạo và định hướng của cấp ủy, Thường trực HĐND. Đối với nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu tính khả thi, còn có ý kiến trái chiều, Ban được phân công chủ trì thẩm tra chủ động báo cáo Thường trực HĐND để có định hướng, đảm bảo sự thống nhất.

Thứ năm, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là một trong những tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của Ban, giúp cung cấp thông tin cho các đại biểu HĐND tỉnh, do vậy nội dung báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cần ngắn, gọn, đi sâu vào nội dung thẩm tra, thể hiện rõ tính khả thi; những kiến nghị cụ thể, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục

EMC Đã kết nối EMC