Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thẩm tra của các ban HĐND

Thẩm tra là kiểm tra, xem xét các nội dung cơ bản của một vấn đề nào đó để đi đến kết luận về tính đúng đắn, tính hợp pháp và tính khả thi. Đây là một trong những hoạt động giám sát của Ban của HĐND được quy định tại khoản 4, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 78 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ sáu.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải được Ban HĐND cùng cấp thẩm tra trước khi trình HĐND”. Từ các quy định của pháp luật cho thấy, hoạt động thẩm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các Ban HĐND nhằm xem xét tính đúng đắn, tính hợp pháp, tính khả thi của báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp HĐND. Kết quả thẩm tra là cơ sở quan trọng giúp đại biểu HĐND có thêm thông tin, thảo luận và quyết nghị, từ đó đảm bảo cho quá trình xem xét các báo cáo, đề án, ban hành nghị quyết của HĐND toàn diện, hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.


Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ sáu.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác thẩm tra của các Ban HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chất lượng báo cáo thẩm tra tại kỳ họp ngày càng được nâng lên, đã đánh giá, phân tích hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị đối với từng nội dung báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Bên cạnh kết quả đạt được, qua giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cho thấy còn có hạn chế như: Một số Ban HĐND xã chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động thẩm tra; chưa tổ chức khảo sát trước khi họp thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND; chất lượng báo cáo thẩm tra còn sơ sài, cá biệt có Ban HĐND xã không tổ chức họp thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết được phân công…Để hoạt động thẩm tra thực sự có chất lượng, các Ban của HĐND cần thực hiện một số giải pháp sau:   

Thứ nhất, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra lãnh đạo các Ban HĐND cần chủ động liên hệ với cơ quan soạn thảo gửi báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan để Ban có cơ sở nghiên cứu tài liệu đầy đủ, kỹ lưỡng. Lãnh đạo Ban cần tiếp cận, nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với cơ quan soạn thảo ngay từ dự thảo ban đầu cho đến dự thảo cuối cùng.

Thứ hai, khi xác định rõ về cơ sở pháp lý và thẩm quyền, lãnh đạo Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban gắn với kinh nghiệm và địa bàn, đơn vị mà thành viên Ban đang công tác nhằm phát huy khả năng hiểu biết, tính chuyên sâu của thành viên Ban đồng thời phát huy tinh thần tập thể của Ban khi được phân công thẩm tra. Thành viên Ban cần thường xuyên cập nhật thông tin, nghiên cứu văn bản và nắm đầy đủ các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật để có ý kiến kịp thời về những nội dung có liên quan theo phân công, giúp cho công tác thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thứ ba, tổ chức các hoạt động khảo sát thực tế tại địa bàn có liên quan đến vấn đề cần thẩm tra. Công việc này cần được tiến hành kịp thời, nắm vấn đề từ nhiều nguồn thông tin để đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, có đối chiếu và kiểm chứng từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp.

Thứ tư, quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu thẩm tra lãnh đạo Ban và thành viên Ban cần đối chiếu so sánh nội dung của tờ trình và dự thảo nghị quyết với các tài liệu khác có liên quan, nhất là các văn bản góp ý của các sở, ngành, địa phương để phát hiện các vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà chưa được giải trình, tiếp thu hoặc tiếp thu chưa đầy đủ. Cần thiết có thể trưng cầu thêm ý kiến của tổ chức, cá nhân có kiến thức, hiểu biết sâu về vấn đề thẩm tra.

Thứ năm, từ kết quả của các cuộc khảo sát, nghiên cứu tài liệu và ý kiến tham gia của các thành viên, Ban tiến hành họp thẩm tra theo đúng trình tự quy định tại Điều 111, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó làm rõ mục đích, sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá tác động, tính khả thi của các báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết. Khi tổ chức hội nghị thẩm tra, Ban mời lãnh đạo HĐND tham dự để cho ý kiến và có định hướng; mời lãnh đạo các Ban HĐND dự, tham gia ý kiến; mời lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự, báo cáo, giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu đã nêu. Kết thúc cuộc họp thẩm tra, chủ tọa kết luận phải cụ thể, rõ ràng để cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND.

Thứ sáu, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là một trong những tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của Ban, giúp cung cấp thông tin cho các đại biểu HĐND tỉnh, do vậy nội dung báo cáo thẩm tra cần ngắn, gọn, tập trung vào nội dung thẩm tra, thể hiện rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự phù hợp, tính khả thi với điều kiện thực tế của địa phương; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.

Làm tốt một số giải pháp trên vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các Ban HĐND, thực hiện hiệu quả chức năng quyết định của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, góp phần vào sự thành công của các kỳ họp HĐND./.

Trần Thị Hà
Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục