Từ Tân Trào đến Ba Đình lịch sử

Tân Trào là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng 2 lần lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng, khởi nguồn cho việc ra đời Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân. Tiếng vọng từ quá khứ tại Tân Trào không chỉ là hành trang quý giá để mỗi thế hệ người dân Tuyên Quang tự hào xây dựng quê hương, mà còn là động lực để cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phát huy những bài học lịch sử của cách mạng, nỗ lực không ngừng xây dựng chính quyền vì Nhân dân phục vụ.

Tân Trào - nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại

Theo các tài liệu lịch sử, ngày 21-5-1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về đến Tân Trào (Tuyên Quang) để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Từ đó, xã Tân Trào (Sơn Dương) là trung tâm Thủ đô Khu giải phóng - trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tại Tân Trào, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã có những quyết định lịch sử cực kỳ quan trọng tới vận mệnh quốc gia, dân tộc: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15/8/1945), quyết định lãnh đạo Nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc; Quốc dân Đại hội Tân Trào (từ ngày 16 đến 17/8/1945) biểu thị ý chí, quyết tâm tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước, bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ đây, nhiều quyết định quan trọng đi đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Ngày 22-8-1945, Bác và Trung ương Đảng dời căn cứ địa cách mạng Tân Trào về Hà Nội.


Đình Tân Trào nơi tổ chức Quốc dân Đại hội. Ảnh: Quang Hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám, một lần nữa được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Từ năm 1947 đến năm 1954, Bác Hồ đã ở và làm việc tại 32 địa điểm trên đất Tuyên Quang với thời gian gần 6 năm để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể: 13/14 bộ, cơ quan ngang bộ, 65 cơ quan Trung ương... lãnh đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại Tuyên Quang đã diễn ra những sự kiện, những quyết sách mang tính quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hành trình lịch sử từ Tân Trào về Hà Nội năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do. Hành trình lịch sử từ Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, về Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến, đó là hành trình của cuộc chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính.

Chăm lo cho Nhân dân

Tuyên Quang luôn tự hào là vùng đất được Bác Hồ, Trung ương Đảng lựa chọn làm thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến. Những bài học vì dân, dựa vào dân năm xưa đang được vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào công cuộc phát triển toàn diện hôm nay. Cùng với những quyết sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh qua từng thời kỳ, các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử của tỉnh đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh để chuyển tải những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề còn bất cập từ thực tiễn của tỉnh đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết.

Nhiều bất cập từ thực tiễn của địa phương đã được các đại biểu Quốc hội chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết và ban hành những quyết sách chung phù hợp cho cả nước. Đơn cử như việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 còn bất cập. Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 theo hướng bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính, nhất là đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính ở miền núi, vùng cao có các yếu tố đặc thù về địa lý, địa hình, an ninh, quốc phòng, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán... để làm căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2026 và định hướng đến năm 2030.


Thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Ảnh: Quang Lê.

Hay như những bất cập liên quan đến các chính sách về đất đai được HĐND tỉnh tổng hợp, Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển tải đến Quốc hội từ đó có những tiếp thu để bổ sung vào Luật Đất đai... Hoặc qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản... Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư (đầu tư công, PPP, đầu tư tư nhân,...).

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tích cực làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt trên diễn đàn Quốc hội, các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH đã góp tiếng nói quan trọng để Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang cùng nhiều công trình, dự án quan trọng khác của tỉnh.

Quê hương, đất nước đang chuyển mình đi lên với những thuận lợi, khó khăn đan xen. Mỗi người dân Tuyên Quang tự hào với truyền thống cách mạng quê hương. Đồng thời, thấm nhuần những bài học quý báu từ sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc diễn ra trên quê hương mình, từ đó nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong việc vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá vào công cuộc đổi mới, dựng xây đất nước, quê hương, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục