Nhận diện thực trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm
"Căn bệnh" né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã được nhận diện và chỉ rõ, đó là thường gặp ở những cán bộ có bổn phận thực thi, giải quyết những vấn đề, công việc thuộc phạm vi mình phụ trách nhưng lại không làm, trốn tránh trách nhiệm, tìm cách đẩy sang cho người khác, đẩy lên cho cấp trên, đẩy cho cấp dưới... Né tránh trách nhiệm còn biểu hiện bàng quan, không quan tâm coi như đó không phải việc của mình.
Ở một số xã vùng sâu, vùng xa, khi giảm nghèo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với cấp ủy, chính quyền nhưng khi được hỏi về số liệu hộ nghèo trên địa bàn, rất nhiều đồng chí Chủ tịch UBND xã phải loay hoay hồi lâu mới tìm được sổ sách ghi số liệu cung cấp cho nhà báo. Khi được hỏi trên địa bàn có mô hình kinh tế nào để giúp dân giảm nghèo thì hầu hết đều lắc đầu kể khó về giao thông, về nhận thức của người dân...
Lãnh đạo xã ngại vận động nhân dân áp dụng cây trồng mới, cách làm mới nhưng lại sợ không hiệu quả, sợ dân "bắt vạ”, ngại không làm. Với những cán bộ như vậy không thể hiện được trách nhiệm của mình với dân, trên bảo sao dưới làm vậy, cốt để giữ "ghế” thành thử số hộ nghèo của xã khi nào cũng cao.
Người dân thôn Đông Đa, xã Thượng Nông (Na Hang) trồng lúa nếp cái hoa vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế thời gian qua ở một số cơ quan, địa phương xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền... dẫn đến hệ lụy quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Trường hợp khác do cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn yếu, không đáp ứng được nhiệm vụ nên e dè, làm gì cũng sợ sai. Ngoài ra, hệ thống văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước thường xuyên thay đổi, có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ nên nhiều khi cán bộ, công chức chưa tiếp thu được đầy đủ, kịp thời, không dám làm vì sợ sai…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, trong đó có tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, chậm giải phóng mặt bằng...
Nguyên nhân trước hết do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa cao, chưa thể hiện sự quyết tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành quy chế làm việc chưa cao, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm; một số cơ quan, địa phương thiếu tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất ban hành các quy định để thực hiện; còn có cán bộ, công chức, viên chức chưa chủ động, tích cực, nhạy bén trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao.
Giao nhiệm vụ để khắc phục
Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây được xem như một trong những giải pháp khắc phục "căn bệnh" né tránh trách nhiệm của cán bộ. Quy định đã được mở rộng đối tượng đến cấp xã, phường, cấp phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị. Năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025, Tỉnh ủy đã thực hiện giao 219 việc đột phá, đổi mới cho 77 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh giao 731 việc đột phá, đổi mới cho 565 cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Việc đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ đã tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đội ngũ cán bộ đổi mới, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. "Sản phẩm" công việc sẽ là cơ sở đánh giá và sử dụng cán bộ. Rất nhiều việc khó, việc xưa nay bị né tránh, đùn đẩy đã được giải quyết, điển hình nhất là thành công xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Hàm Yên.
Đồng chí Hoàng Quang Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Na Hang cho biết, mỗi đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã đều được giao ít nhất 2 việc đột phá. Những việc được giao tập trung vào giải quyết dứt điểm, hiệu quả các vấn đề còn hạn chế, lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế tại địa phương.
Đây cũng là một trong những tiêu chí cơ sở định lượng rõ ràng năng lực, trách nhiệm, ưu, khuyết điểm của cán bộ. Nhờ đó, công cuộc giảm nghèo của các xã ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được phát huy. Điển hình như xã Hồng Thái với nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng góp phần quan trọng đưa Hồng Thái từ một xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao trở thành xã nông thôn mới.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định tạm thời về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo quy định, mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung với động cơ trong sáng đều được khuyến khích, trước hết là các ý tưởng nhằm giải quyết những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, cấp bách, việc mới, việc khó của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Mạnh dạn cho triển khai thí điểm đối với những kế hoạch đổi mới, sáng tạo, đột phá vào những nội dung chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ hoặc không còn phù hợp, còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Việc xem xét bảo vệ cán bộ trong trường hợp có rủi ro, sai sót phải chủ động và công tâm, khách quan, toàn diện. Đây là sự khuyến khích rất kịp thời những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá để tháo gỡ nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Việc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, nâng cao đạo đức công vụ, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là hết sức cấp bách, cần thiết. Khi cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc, thực hiện các giải pháp với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao nhất thì việc "bốc thuốc" trị tận gốc căn bệnh vô cảm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong cán bộ, công chức sẽ đạt hiệu quả cao, tạo động lực làm việc, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước.