Dịch vụ công trực tuyến: Cần người đứng đầu quyết liệt

Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) ở mức độ cao luôn được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Thực tế cho thấy trong quá trình triển khai ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền, nơi đó đạt hiệu quả cao. Để nâng cao hiệu quả DVCTT phải đặt mục tiêu phục vụ tối đa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Vẫn còn tỷ lệ thấp

Việc ứng dụng DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai chính phủ điện tử. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet, đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ.

Trong thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện DVCTT. Các đơn vị, địa phương đã không ngừng nâng cấp hệ thống DVC cũng như chất lượng phục vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Cổng DVC tỉnh, các phần mềm dịch vụ công của địa phương thường xuyên được hoàn thiện với nhiều chức năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Trang thiết bị được cung cấp đầy đủ để cán bộ tiếp nhận và trả kết quả thực hiện, người dân giám sát, tra cứu quá trình giải quyết TTHC của mình và đánh giá sự hài lòng về chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, trong thời gian qua, số lượng hồ sơ DVCTT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.


Cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, vừa sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện trên cổng DVC trực tuyến.                                    

Hiện tỉnh cung cấp 1.941 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3: 282 dịch vụ, đạt 15%; dịch vụ công mức độ 4: 1.054 dịch vụ, đạt 56%. Tính đến ngày 30/9/2023, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cho thấy, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến của các DVC trực tuyến toàn trình và một phần 71.725/170.531 hồ sơ, đạt 42.06% (tăng 18.2% so với 6 tháng đầu năm 2023).

Một số đơn vị có tổng hồ sơ tiếp nhận nhiều có tỷ lệ trực tuyến cao như: Sở Công thương, đạt 99,76%; Sở Tư pháp đạt 96,78%; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đạt 94,11%. UBND huyện Hàm Yên, đạt 80%. Ở cấp xã, một số đơn vị thực hiện tốt điển hình như UBND  phường Tân Hà, đạt 100%; UBND xã Xuân Vân, đạt 96,56%; UBND xã Minh Khương, đạt 100%; UBND xã Trung Hà, UBND xã Minh Quang, đạt 96,32%…       

Bên cạnh đó còn những đơn vị có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp như: Sở Giao thông Vận tải, đạt 1,96%; Thanh tra tỉnh, đạt 1,35%; Sở Tài nguyên và Môi trường, đạt 17%; Sở Y tế, đạt 7,49%; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đạt 4,80%; Sở Tài chính, đạt 7,02%; Sở Giáo dục và Đào tạo đạt 4,29%. Ở cấp huyện: UBND thành phố Tuyên Quang, đạt 4%; UBND huyện Yên Sơn, đạt 16%; UBND  huyện Na Hang, đạt 19%. Ở cấp xã tỷ lệ những đơn vị đạt thấp lại rơi vào một số xã, phường thuộc thành phố Tuyên Quang như UBND phường Đội Cấn, đạt 14.03%; UBND phường Phan Thiết, đạt 38%...

Từ kết quả trên cho thấy, việc tiếp nhận nộp hồ sơ trực tuyến không phải phụ thuộc vào địa bàn, không phải là việc quá khó. Có những xã vùng sâu, vùng xa như Minh Khương (Hàm Yên) đạt tỷ lệ 100% nhưng có phường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang tỷ lệ lại rất thấp. Do đó, vấn đề trong nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hoàn toàn phụ thuộc vào cách làm, sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương.


Người dân dễ dàng được hướng dẫn thực hiện DVC trực tuyến khi dùng điện thoại thông minh quét mã QR dán tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa. Ảnh: Lý Thịnh.

Cần thay đổi thói quen từng bước

Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn đã tìm cách cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Nhiều cơ quan đã thực hiện hình thức như không tiếp nhận một số hồ sơ TTHC, một số ngày bằng bản giấy để phấn đấu 100% người dân, tổ chức lựa chọn và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tiêu biểu như Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chúng tôi có mặt tại bộ phận Một cửa phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) ở đây ngoài những cán bộ phụ trách công tác tiếp và giải quyết TTHC còn có thêm một số đoàn viên, thanh niên sẵn sàng hướng dẫn hỗ trợ tất cả người dân và doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hà cho biết, phải từng bước giúp người dân và doanh nghiệp mới thấy được sự cần thiết phải hình thành thói quen nộp hồ sơ trực tuyến. Đảng ủy, UBND phường giao cho đoàn viên, thanh niên phụ trách việc hỗ trợ người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.


Công an xã Thanh Tương (Na Hang) hỗ trợ người dân xác lập tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến.

Hiện phường luôn có 10 đoàn viên thanh niên thay nhau phụ trách hỗ trợ, hướng dẫn tại Bộ phận Một cửa. Phường cũng đã đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính; nâng cấp đường truyền internet đảm bảo nhanh. UBND phường chỉ đạo cán bộ Bộ phận Một cửa phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, phấn đấu đạt tỷ lệ 100%.

Chị Nguyễn Thị Minh Phượng, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Tân Hà cho biết, để thuận lợi cho người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, phường biên soạn và in những tờ hướng dẫn từng bước cụ thể để người dân thực hiện theo, đồng thời có thể phát cho bất cứ ai cần tìm hiểu quy trình. Với những người chưa quen, tự làm có thể mất khoảng 20 phút mới có thể hoàn thành việc đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến, khi quen rồi chỉ có thể mất 7 phút có thể hoàn thành.

Chị Phượng cho hay, khó khăn hiện nay đối với những người già, những người chưa sử dụng điện thoại thông minh, số điện thoại không chính chủ để kích hoạt tài khoản cá nhân. Bộ phận Một cửa cần phải đầu tư thêm trang thiết bị như máy tính, máy Scaner để phục vụ người dân. Ngoài ra phần mềm hệ thống đôi khi vẫn còn gặp lỗi gây mất thời gian xử lý hồ sơ.

Bà Hoàng Thị Bích Thúy, tổ 16, phường Tân Hà cho biết, khi đến đây làm TTHC, được hướng dẫn nắm rõ các quy trình nộp hồ sơ tôi mới thấy được hết lợi ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến. Việc làm quen đối với người già gần 60 tuổi như tôi cũng không quá khó khăn. Sau 1 đến 2 lần tôi có thể tự mình làm được ở nhà mà không phải đến trụ sở phường nữa.


Cán bộ và đoàn viên thanh niên phường Tân Hà hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Xã Minh Khương là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hàm Yên, số lượng hồ sơ TTHC khá lớn, nhưng từ đầu năm đến nay 100% hồ sơ TTHC của người dân trong xã đã nộp trực tuyến (780/780 hồ sơ). Theo đồng chí Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương chia sẻ, quan trọng nhất vẫn là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo mục tiêu 100% hồ sơ trực tuyến.

Phải từng bước thực hiện, đối với những thanh niên, giáo viên, cán bộ thì đề nghị phải tự thực hiện mà không cần hướng dẫn, hỗ trợ. Đối với người dân vẫn phải tiếp tục kiên trì hướng dẫn, mặc dù việc này khiến cán bộ phải mất khá nhiều thời gian nhưng luôn phải coi đây là nhiệm vụ của mình để phục vụ người dân.

Hiện nay việc nộp hồ sơ trực tuyến vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như, khi đăng ký tài khoản trên dịch vụ công yêu cầu số điện thoại chính chủ; việc thực hiện quy trình thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn phức tạp, chưa có nhiều lựa chọn các ngân hàng trung gian thanh toán hoặc phương thức thanh toán khác. Giao diện trên trang website vẫn còn khá phức tạp khiến người dân sử dụng còn lúng túng nhất là đối với việc toán phí, lệ phí trực tuyến.

Cổng dịch vụ công có thiết kế giao diện web cho thiết bị di động, mặc dù vậy vẫn chưa được tối ưu hóa nên khó thao tác hơn so với máy tính. Từ thực tiễn các tồn tại trên các ý kiến cho rằng cần thiết phải khắc phục, chỉnh sửa lại các chức năng của Cổng dịch vụ công theo hướng cần chú trọng việc cung cấp thông tin đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm hơn, giúp người dân có thể tự hiểu và tự thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện.

Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng các nền tảng xã hội số; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số để người dân hiểu và biết cách sử dụng khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.

Đặc biệt, người đứng đầu cần phải có sự quyết tâm hơn nữa, phải xác định công nghệ là yếu tố tất yếu của tương lai, chắc chắn sẽ phát triển, hoàn thiện giúp cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Vì vậy, sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu là rất quan trọng.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục