Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Tuyên Quang đẩy mạnh các hoạt động kết nối, gặp gỡ, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Giám đốc KOIKA Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019 - 2023 (tháng 12-2023).
Từ đầu năm tới nay, tỉnh đã tổ chức một số đoàn công tác đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Đức, Pháp, Australia, New Zealand để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác. Những chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương đã góp phần tăng cường ngoại giao về chính trị, kinh tế, văn hóa, mở ra hướng hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang với các địa phương, doanh nghiệp của nước bạn. Trong năm tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 35 cuộc gặp, tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài. Tham gia 4 cuộc tọa đàm, gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trọng điểm tỉnh đang thúc đẩy hợp tác. Lãnh đạo tỉnh tham dự 5 hội nghị, diễn đàn, hội chợ về đầu tư, thương mại, du lịch. Đồng thời ban hành các văn bản, thỏa thuận quốc tế được ký kết trong lĩnh vực hợp tác cấp địa phương.
Hợp tác cấp địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tỉnh tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống như tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Phông-sa-lỳ Lào; thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi và huyện Imsil, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc; châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và mở rộng thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương của Đức; tiếp tục kết nối hợp tác với địa phương của Nhật Bản…
Tỉnh Tuyên Quang luôn xác định ngoại giao kinh tế là trọng tâm, giúp tăng cường tiềm lực cho tỉnh. Đến nay các đối tác kinh tế, thương mại của tỉnh được mở rộng lên tới gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được thu hút, triển khai với 20 dự án FDI của 17 nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12.500 lao động của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống Nhân dân. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự án xưởng ván sàn SPC của Công ty Nature Green, nhà đầu tư Hồng Kông và Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA Tuyên Quang của Công ty cổ phần EREX, nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đăng ký của 2 dự án là 5,11 triệu USD. Năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 8 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư và tìm kiếm cơ hội mà giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023 giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện đạt 90 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh tập trung vào chè, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, hàng dệt may, giày dép. Định hướng xuất khẩu hàng hóa, tỉnh chủ trương phát triển xuất khẩu bền vững, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa. Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ La tinh. Thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm mới để xuất khẩu.
Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang trao hỗ trợ của tỉnh cho trường Mầm non tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (tháng 11-2023). Ảnh: Ngọc Hưng.
Hội nhập quốc tế tác động tích cực đến tỉnh Tuyên Quang trong các lĩnh vực, điển hình như chuyển cơ cấu lao động, việc làm. Năm 2023, Tuyên Quang có 943 lao động đi làm việc, lao động tại nước ngoài, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2022. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 190 triệu USD; năm 2030 đạt giá trị 330 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030 bình quân 10,7%/năm; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 bình quân 5,3%/năm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa được tỉnh chú trọng, tăng cường. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Chương trình khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và đón nhận Giải thưởng “Phong cảnh thành phố Châu Á” năm 2022 cho công trình “Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng”; Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023. Các hoạt động có sự hiện diện của nhiều cá nhân, tổ chức, các vị đại sứ, doanh nghiệp, đoàn nghệ thuật, khách du lịch quốc tế đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, di sản, vẻ đẹp Tuyên Quang, tạo điểm nhấn ấn tượng và sức hấp dẫn với bạn bè quốc tế. Đồng thời là cơ hội để Tuyên Quang định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh ở trong nước, khu vực và quốc tế. Ngược lại lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và một số sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố, nghệ nhân, diễn viên cũng tích cực tham gia ngoại giao văn hóa tại một số địa phương của các nước có quan hệ hữu nghị, thắt chặt tình đoàn kết, sự hiểu biết. Cùng với đối ngoại văn hóa, công tác đối ngoại Nhân dân, thông tin đối ngoại, lãnh sự và bảo hộ công dân, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Các sự kiện, hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong năm 2023, tỉnh đã thu hút được trên 2.6 triệu lượt khách du lịch, vượt kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trên đà kết quả đạt được, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Trung ương Đảng, hoạt động đối ngoại của Tuyên Quang sẽ tiếp tục được thực thi đồng bộ, phát huy tối đa sức mạnh để phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.