Chìa khóa tạo đồng thuận

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường theo Pháp lệnh số 34/2007/PL - UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (số 10/2022/QH15) gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu. Các địa phương thực hiện tốt việc niêm yết công khai nội dung, chủ trương, chính sách cũng như xây dựng được quy chế, quy định về tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.


Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Yên Lập (Chiêm Hóa) giám sát xây dựng đường bê tông nông thôn thôn Khuân Khương.

Điển hình như thực hiện dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cấp ủy, chính quyền các cấp đặt mục tiêu công khai, minh bạch các chủ trương, kế hoạch thu hồi, chính sách đền bù... đến tất cả mọi người dân, đặc biệt là các hộ dân chịu sự tác động của dự án. Theo đó,  tổng số toàn tuyến đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có khoảng 2.493 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và tài sản trên đất. Đến nay, toàn tỉnh đã kiểm kê được 2.445 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi. Trong đó, có 521 hộ gia đình, cá nhân ở Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang thuộc diện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang... Với việc chủ động các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là thực hiện tốt quy chế dân chủ, luôn công khai minh bạch các thông tin về dự án, các chính sách đền bù... đã giúp người dân vùng dự án hiểu và hầu hết đồng thuận cho việc triển khai thực hiện dự án.

Ông Bàn Văn Toàn, thôn Khe Mon, xã Thái Hòa (Hàm Yên) bày tỏ: Khi có chủ trương xây dựng đường cao tốc, toàn thôn đều được chính quyền huyện, xã thông tin đầy đủ. Được thông tin kịp thời, mỗi người dân đều hiểu quy mô, tầm quan trọng của dự án, từ đó đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Riêng gia đình anh Toàn đã tiên phong di dời các phần mộ của gia đình để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Hay như đối với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn ngã ba Trung Sơn đi chợ Chu, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân tại khu vự dự án đi qua. Theo đó, dự kiến có 40 hộ dân thuộc các xã Trung Sơn, Hùng Lợi (Yên Sơn) thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án. Chị Ma Thị Nhường, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn bày tỏ, việc tuyến đường được xây dựng là mong ước nhiều đời nay của Nhân dân các xã trong vùng để tạo điều kiện thông thương hàng hóa với tỉnh bạn Thái Nguyên. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trong khu vực thực hiện dự án cho thấy, quy chế dân chủ ở cơ sở luôn được phát huy, người dân được đề đạt nhiều ý kiến, nguyện vọng với chính quyền trước khi dự án triển khai. Ngoài ra, Nhân dân cũng hiểu rõ trách nhiệm của công dân, từ đó bảo nhau tích cực tham gia đóng góp vì sự phát triển của địa phương, tạo nên khí thế đồng thuận, tất cả đều mong mỏi dự án sớm được triển khai.

Ở xã Ninh Lai (Sơn Dương), quy chế dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền đặt lên hàng đầu để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Hoàng Khánh Linh chia sẻ: Những chủ trương hay mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi trong phạm vi xã, người dân đều được bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân... Thông qua đó vận động sự tham gia tích cực của Nhân dân trong hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu làm đường nội thôn, các công trình công cộng và đóng góp ý kiến vào nghị quyết HĐND xã, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của tỉnh: việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng được tăng cường. Trong đó, các cơ quan đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để công khai những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm và kinh phí được ngân sách nhà nước cấp phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị; quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị...

Các doanh nghiệp công khai, phổ biến nội quy, quy chế tới người lao động. Từ đó, người lao động được bàn, quyết định các nội dung thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật, nghị quyết hội nghị người lao động; xây dựng, sửa chữa, bổ sung và thực hiện các quy định, quy chế của doanh nghiệp, nhất là sau khi có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Dân chủ được phát huy, vai trò, trách nhiệm của Nhân dân được đề cao, qua đó đã huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục