Đại biểu tham dự phiên họp giải trình.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng uỷ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Uỷ viên Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố. Giải trình tại phiên họp có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đại diện một số đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Phiên giải trình được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức theo quy định tại Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Việc chuẩn bị cho phiên giải trình được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện chu đáo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang phát biểu tiếp thu, giải trình một số nội dung liên quan. Ảnh Ngọc Duy.
Báo cáo của Đoàn khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của bộ ngành Trung ương về bảo vệ môi trường; xây dựng ban hành chỉ thị, đề án, quy định để tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên; phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bước đầu được xã hội hóa; chất lượng môi trường được cải thiện và nâng cao;... Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, như: Nhận thức, trách nhiệm của người dân chưa cao; hệ thống văn bản quản lý của cơ quan chuyên môn còn chưa đầy đủ, thiếu quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; mạng lưới cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt còn ít, quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn thiếu, công nghệ xử lý chưa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; sự tham gia phối hợp của chính quyền cấp huyện, cấp xã với các đơn vị cung ứng dịch vụ trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của người dân còn hạn chế; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, xả thải tại nơi công cộng nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên, quyết liệt....
Lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu nội dung yêu cầu giải trình.
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, đã có 12 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu yêu cầu giải trình, 05 lượt đại biểu tranh luận về vấn đề giải trình đối với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tập trung vào các vấn đề như: Chậm triển khai thực hiện các quy định của tỉnh liên quan đến hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chậm rà soát, bổ sung quy hoạch để thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn chưa được khởi công xây dựng do còn có những vướng mắc liên quan đến mặt bằng, trình tự thủ tục. Các điểm tập kết rác thải không đảm bảo quy định, tự phát, không đảm bảo vệ sinh; tại các vùng nông thôn việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa được thực hiện đồng bộ, quy trình xử lý chưa đảm bảo quy chuẩn, đặc biệt là phân loại, xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng đơn giá, kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đên địa bàn hằng năm chưa đảm bảo với điều kiện thực tế của địa phương; các ngành chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa làm hết trách nhiệm, thiếu hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại cơ sở...
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình một số vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu.
Lãnh đạo UBND huyện Chiêm Hoá giải trình một số vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu.
Trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được giao, đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã nghiêm túc giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu rõ những hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu tại phiên họp, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hạn chế cũng như đưa ra các giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm khắc phục, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu kết luận phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Thị Kim Dung đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có kế hoạch, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế tồn tại thuộc trách nhiệm của đơn vị, địa phương đã được chỉ ra trong phiên họp. Đồng chí nhấn mạnh việc triển khai thực hiện tốt hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo vệ môi trường sống cho người dân. Do vậy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường sự phối hợp, nêu cao trách nhiệm để triển khai thực hiện hiệu quả nhất; tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quản lý để bổ sung, sửa đổi bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, tiến hành rà soát, quy hoạch các khu xử lý rác thải đảm bảo quy định của pháp luật tại trung tâm các huyện hoặc vùng huyện với quy mô hợp lý, có tầm nhìn dài hạn. Sớm ban hành, phê duyệt các điểm tập kết rác thải để các địa phương làm căn cứ đầu tư xây dựng. Chỉ đạo rà soát, hướng dẫn ban hành quy chế vận hành, quản lý các khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bãi chôn lấp, lò đốt rác khí tự nhiên) bảo đảm rõ quy trình vận hành, rõ đơn vị quản lý, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi có sự cố xảy ra. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường; chủ động tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.