Sáng 31-5, thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội 2018, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2019. Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã có bài phát biểu liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại hội trường. |
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế đã đạt được những kết quả tích cực; người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững, thực hiện công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Đại biểu Ma Thị Thúy dẫn chứng từ số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến tháng 4 năm 2019 là 83,82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ là 88,9%. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập như chưa thực sự thể hiện tính khuyến khích người tham gia mà cụ thể ở đây là chính sách ưu đãi, miễn giảm về Bảo hiểm y tế. Các đối tượng là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình cận nghèo; nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, ... thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế nhưng thực tế đối tượng này tham gia chưa nhiều, khi nhóm cận nghèo, học sinh, sinh viên chiếm 20,40%; nhóm hộ gia đình chiếm 18,20% trên tổng số người tham gia BHYT. Mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 30% mức đóng, song do kinh tế gia đình chưa đảm bảo nên việc tham gia BHYT của các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa; học sinh, sinh viên không được tham gia theo hình thức hộ gia đình; chưa có quy định nếu 100% thành viên trong hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp tham gia BHYT thì được giảm mức đóng như đối tượng hộ gia đình...
Để sớm đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung một số chính sách, cụ thể như: Tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng trên từ 30% lên 50%; cho phép học sinh, sinh viên được tham gia BHYT theo hộ gia đình; quy định hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp nếu 100% thành viên trong hộ tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng hộ gia đình.
Về phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng trong các năm 2017 và 2018, việc chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học và nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu thực hiện theo Nghị định số 105, năm 2014 của Chính phủ nhưng hiện nay các cơ sở giáo dục cơ bản chưa được hưởng phần kinh phí này, nhất là các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nguyên nhân là do không đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất và tiêu chí về nhân viên y tế học đường; việc thực hiện phân bổ và sử dụng quỹ BHYT cũng còn nhiều nội dung vướng mắc... Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó văn bản ban hành thực hiện chính sách không đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện của các đơn vị khám chữa bệnh. Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được văn bản của Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nội dung như sau: “Hiện nay, việc chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học và nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu thực hiện theo Nghị định số 146/2018 của Chính phủ và Thông tư số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo...; Tại các văn bản trên thì không có quy định nhân viên y tế phải có mặt thường xuyên tại nhà trường...” Tuy nhiên, tại các văn bản trên, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, tháo gỡ nội dung này. Vì vậy, việc trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2017 đến nay chưa thực hiện được. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 146 năm 2018 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc có liên quan đến nội dung CSSKBĐ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.