Các đại biểu thảo luận tại tổ. |
Cho ý kiến về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), đại biểu Âu Thị Mai tán thành cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đưa ra. Về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết. Tuy nhiên cần căn cứ trên từng vị trí công việc, ngành nghề cụ thể để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, tránh gây tâm lý đối với người lao động, nhất là đối với những ngành nghề nguy hại, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe. Trước đề xuất các phương án chọn ngày nghỉ trong năm cho người lao động là ngày 27/7 hoặc 28/6, đại biểu cho rằng nên lấy ngày 28/6 vì đây cũng là ngày gia đình Việt Nam, ngày này cũng mang lại nhiều lợi ích nhất định và cụ thể hóa Nghị quyết 72 của Chính phủ về chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.
Bổ sung thêm một số vấn đề liên quan đến việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, đại biểu Chẩu Văn Lâm cho rằng đây là việc cần phải làm khi gia nhập các tổ chức quốc tế và cũng để cụ thể hóa đường lối của Đảng. Tuy nhiên, việc gia nhập cũng cần nghiên cứu kỹ trên cơ sở thời gian tham gia và tiến hành sửa các quy định của pháp luật cũng như chuẩn bị tâm thế lộ trình thực hiện công ước này. Đại biểu nhấn mạnh đến việc cần phân tích, đánh giá những lợi thế và bất lợi của Việt Nam khi gia nhập để có những chiến lược và điều chỉnh hợp lý.
Trước đó, vào buổi sáng, đại biểu đã thảo luận tại tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đối với một số nội dung sử dụng dự phòng chung nguồn vốn trong nước (gần 67.547 tỷ đồng), nguồn dự phòng 10% tại bộ, ngành do Chính phủ chưa xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn theo Nghị quyết 71 và bố trí vốn sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới, chưa có danh mục thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, tổng hợp khả năng bố trí nguồn vốn, danh mục, dự kiến mức phân bổ, đề xuất hướng xử lý.
Về việc thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, có 2 luồng ý kiến, trong đó một số đại biểu thống nhất quan điểm nếu chưa phân bổ hết có thể dung cho công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; một số khác không đồng tình với phương án trên. Đại biểu Chẩu Văn Lâm chia sẻ thêm vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận rõ ràng, cụ thể tại phiên họp thứ 33, 34 và phiên họp ngày 24-5-2019, theo đó: “Thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng như Tờ trình của Chính phủ, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát danh mục, thủ tục đầu tư, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án và xây dựng nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.”
Về một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020: Tại Tờ trình số 283, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung các dự án mới sử dụng nguồn vốn từ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương vào danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bổ sung một số dự án sử dụng vốn nước ngoài vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, một số ý kiến cho rằng, việc bố trí 15.478,22 tỷ đồng cho 293 dự án mới chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn là chưa hợp lý vì với mức vốn thấp (trung bình khoảng 52,8 tỷ đồng/dự án), dễ dẫn đến dàn trải, gây áp lực đến việc cân đối nguồn lực giai đoạn sau. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bố trí kế hoạch vốn hợp lý, tránh dàn trải.