Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu tại phiên họp. |
Đại biểu đưa ra một số vấn đề liên quan tới Điều 12, Điều 34 và Điều 46 dự thảo luật về văn bằng, chứng chỉ. Tại Điều 20, 21, 22 về các hành vi bị cấm trong cơ sở giáo dục, đại biểu cho rằng thực chất quy định tại các điều này đều là những nội dung các cơ sở giáo dục không được thực hiện, do vậy đề nghị gộp nội dung quy định tại 3 điều thành 1 điều là các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giáo dục, đồng thời đề nghị bổ sung hành vi “cấm gây rối an ninh trật tự, xâm phạm điều kiện đảm bảo an toàn trường học” vào dự thảo luật, bởi thời gian qua đã có những vụ việc người lạ mặt trà trộn vào trường học để thực hiện hành vi xâm hại học sinh, hành hung cán bộ, giáo viên, trộm cắp, phá hoại tài sản.
Đối với quy định yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục, đại biểu cho rằng, lâu nay khi nói đến giáo dục là luôn phân tích những điều hết sức trừu tượng, vĩ mô như nhu cầu xã hội, mục tiêu cần đạt được, kỳ vọng của người lớn đối với trẻ em, nhưng có một điều căn cốt của giáo dục là tố chất và sự phát triển tự nhiên của mỗi học sinh thì lại bị xem nhẹ, hệ luỵ là những thế hệ học sinh được đào tạo không đúng với năng lực và sở trường, dẫn đến việc học trở thành gánh nặng, thành áp lực, thậm chí là chán nản. Dự thảo luật đã đưa ra những yêu cầu về nội dung phương pháp giáo dục bao quát, trong đó chú trọng phát triển tố chất và cá tính của học sinh, đặc biệt chú trọng nội dung “Tôn trọng sự khác biệt”. Tuy nhiên, nội dung "Tôn trọng sự khác biệt" mới chỉ đề cập đến cấp học mầm non là chưa phù hợp, đề nghị bổ sung nội dung này ở các cấp học. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung yêu cầu giáo dục phổ thông phải tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh, bởi rèn thể lực là nền tảng trau dồi trí lực. Giáo dục thể chất trong nhà trường có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy và bồi dưỡng yếu tố con người, góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh của học sinh.
Liên quan đến chính sách đối với nhà giáo có quy định nhà giáo thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ nhà giáo công tác tại các trường không phải chuyên biệt thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi. Đại biểu đề nghị một số quy định về chính sách miễn giảm học phí đối với các trường hợp khó khăn, học sinh nghèo vượt khó, con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: “Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cho người học là người khuyết tật được hội đồng cấp xã trở lên công nhận. Đại biểu đề nghị có chính sách luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp không bố trí luân chuyển được cần xem xét để các đối tượng này được hưởng chế độ hỗ trợ; đối với giáo viên công tác vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đề nghị Nhà nước cần xem xét có thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác để bảo đảm cuộc sống và yên tâm công tác lâu dài.
Bên cạnh đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị bổ sung mở rộng đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy lớp có những học sinh chuyên biệt tự kỷ, tăng động, trầm cảm… được gửi đến học hòa nhập tại trường bình thường để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên; đề nghị miễn hoàn toàn học phí cho các đối tượng học sinh thuộc diện phổ cập giáo dục trong nhà trường thuộc các loại hình để đảm bảo quyền bình đẳng trong giáo dục của người học thuộc diện phổ cập tại trường công lập và ngoài công lập, đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.