Thảo luận tại tổ 9 gồm các đoàn Tuyên Quang, Đồng Nai và Bình Định. Đại biểu Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tại kỳ họp. |
Đối với Luật kinh doanh bảo hiểm, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành kinh doanh bảo hiểm nói riêng. Một số ý kiến cho rằng, cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng các điều khoản của Luật, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến các giao dịch dân sự để đảm bảo tính thống nhất của các luật hiện hành cũng như những cam kết của Việt Nam với Quốc tế khi gia nhập các tổ chức như WTO, CPTPP… Về điều các điều khoản, quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ hơn những tác động của quy định hiện hành với các điều khoản khác được quy định trong Luật, bởi kinh doanh dịch vụ bảo hiểm có quan hệ với các ngành khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ… Vì vậy cần làm rõ để đảm bảo tính pháp lý. Cùng với đó, quy định về quyền và điều kiện của tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân về kinh doanh dịch vụ bảo hiểm hiện nay đang bị bó hẹp khi quy định cá nhân phải có bằng đại học chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm mới được hành nghề, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định có chứng chỉ về kinh doanh dịch vụ bảo hiểm là đủ điều kiện hành nghề.
Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Hoàng Bình Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằn,g sửa luật là cần thiết, bởi trên thực tế luật đã ban hành từ năm 2005 và đã trải qua một số lần sửa đổi, bổ sung, song chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cần phải tiếp cận luật và có cách nhìn sâu rộng hơn, bởi gần đây nhất khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP thì áp lực về sở hữu trí tuệ đối với Việt Nam là rất lớn. Đại biểu cho rằng, theo Nghị quyết 72 thì sở hữu trí tuệ không chỉ dừng lại ở 11 nội dung chưa tương thích giữa luật và CPTPP vì còn rất nhiều những điều khoản không tương thích, vì vậy nên có sự nhìn nhận tổng thể, rà soát lại toàn bộ Luật Sở hữu trí tuệ, những điều khoản nào không tương thích với CPTPP. Đặc biệt là cần thiết phải có sự tham vấn đối với các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp chính là đối tượng chịu tác động và thụ hưởng của luật này.
Cùng với đó, một số ý kiến khác đề nghị cần làm rõ và có dánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam đối với các thủ tục và điều kiện đề nghị cấp sơ hữu trí tuệ hiện nay để có những quy định cụ thể trong Luật. Bởi hiện nay, tình trạng xử lý đơn xin cấp quyền ở hữu trí tuệ của doanh nghiệp đang khá tốn thời gian, tồn đọng đơn rất nhiều khiến doanh nghiệp chậm được đăng ký, dẫn tới thiệt hại, thậm chí bị vi phạm bản quyền. Vì vậy trong luật cần quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng với đó là nâng cao trình độ, năng lực thẩm định về sở hữu trí tuệ, từ đó rút ngắn thời gian xem xét đơn và cấp bằng sở hữu cho tổ chức cá nhân.