Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại kỳ họp. |
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, tình trạng vi phạm hành chính, coi thường pháp luật trong lĩnh vực TTATGT là vấn đề đã và đang diễn ra hàng ngày, chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nếu không có giải pháp hiệu quả triệt để thì sẽ rất đáng lo ngại trong thời gian tới, bởi vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, tinh thần của người dân. Thống kê có trên 70% số người tử vong do TNGT là những người giữ vai trò lao động trụ cột trong gia đình. Nhiều gia đình có người chết do TNGT đang ở tình trạng nghèo đói, bệnh tật, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Ma Thị Thúy đưa ra số liệu năm 2019, tình hình TNGT có giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao, kết quả đạt được chưa vững chắc, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên tục xảy ra làm thiệt hại lớn về người, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Trong đó, nhất là những vụ tai nạn do sử dụng rượu, bia, chất có cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích...nhưng chưa có biện pháp hạn chế ngăn chặn hiệu quả. Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/10/2018 - 30/9/2019, cả nước xảy ra 17.651 vụ tai nạn giao thông, 7.758 người chết, 13.495 người bị thương. Số liệu này cho thấy, số người chết, số người bị thương lớn, chưa tính đến hệ lụy, hậu quả khi có những người mang trên mình thương tật cả đời, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Phương tiện gây TNGT chủ yếu là xe mô tô 60,44%, ô tô 33,73%, phương tiện khác 5,83%. Đối tượng chủ yếu gây ra tai nạn có độ tuổi từ 18 đến dưới 27 tuổi là 27,55%; từ 27 đến 55 tuổi là 54,86%. Đại biểu Ma Thị Thúy đưa ra một số nguyên nhân cơ bản như công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT còn mang tính hình thức, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông còn kém.
Ngoài ra, cơ chế phân công, phân cấp, quản lý, điều hành hoạt động bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan chức năng và với chính quyền địa phương chưa rõ ràng, còn bất cập, nên khó xác định trách nhiệm, chưa quyết liệt xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện. Một số quy định về TTATGT chưa phù hợp thực tiễn chậm được rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời. Hiện tượng xử lý chưa nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT làm giảm tính răn đe, dẫn đến coi thường pháp luật chưa được ngăn chặn... Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung vào 7 vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất, để có văn hóa trong tham gia giao thông trước hết phải thực hiện nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; đồng thời có lòng nhân ái, tính cộng đồng biểu hiện qua việc nhường nhịn nhau khi đi trên đường; khi xảy ra tai nạn, va chạm thì giúp đỡ người bị nạn... Văn hóa giao thông cần được thấm sâu vào nhận thức của mỗi người thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Do đó cần có những giải pháp tổng thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Xây dựng lại cách chuẩn mực quy tắc đạo đức, văn hóa trong xã hội; gắn hành vi tham gia giao thông với chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong xã hội.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông đúng đối tượng với nội dung và hình thức phù hợp. Ví dụ: Đối với những đối tượng là trẻ em, vị thành niên cần có giải pháp phối hợp giữ gia đình và nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, ứng xử văn minh về văn hóa giao thông, luật giao thông, tạo thành thói quen tự giác ăn sâu vào tâm thức khi còn nhỏ, lớn lên sẽ là một lớp thế hệ nối tiếp có ý thức, có văn hóa tham gia giao thông.
Thứ ba, quan tam chống tiêu cực tham nhũng vặt trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện để phòng ngừa kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm minh các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng vi phạm TTATGT, tai nạn giao thông để tạo lòng tin của nhân dân.
Thứ tư, rà soát quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên các tuyến chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, có giải pháp thực hiện nghiêm quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các thành phố lớn, quy hoạch khu dân cư. Khắc phục xử lý triệt để các điểm đen trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…
Thứ năm, kiểm soát việc dừng đỗ xe trái phép; tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông lòng đường, vỉa hè đặc biệt đối với các trường hợp dựng rạp đám hiếu, hỷ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Siết chặt công tác quản lý vận tải, gắn chặt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải và có chế tài xử lý đối với chủ doanh nghiệp để lái xe vi phạm pháp luật gây tai nạn giao thông dẫn đến bị thương và chết người.
Thứ sáu, cần quy định cụ thể hơn nữa nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, các lực lượng trong triển khai thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT.
Thứ bảy, đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để phù hợp với thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định Nghị định 46 của Chính phủ theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa.