Đã có 27 vị ĐBQH phát biểu tại hội trường, còn gần 30 đại biểu chưa phát biểu tại hội trường. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng đã thay mặt Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH.
Qua ý kiến của các vị ĐBQH, Quốc hội đã hoan nghênh việc Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chuẩn bị Đề án công phu để trình Quốc hội. Có thể nói, đây cũng là một trong những đề án rất khó khăn, phức tạp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực rất cao Ủy ban Dân tộc đã chủ động và phối hợp với Hội đồng Dân tộc để chuẩn bị nhiều cuộc thảo luận và xin ý kiến.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận phiên thảo luận |
Qua ý kiến của các vị ĐBQH chúng ta tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển. Giữa 54 dân tộc anh em nước ta không có kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chúng ta không có xung đột dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục thực hiện tốt Hiến pháp mới năm 2013, việc Quốc hội hôm nay bàn hệ thống lại quyết định các chính sách dân tộc là đúng thẩm quyền theo quy định của Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Qua ý kiến phát biểu của các vị đại biểu đều khẳng định, các chính sách đầu tư cho vùng dân tộc miền núi với sự quan tâm đặc biệt đã có ưu tiên đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng phát triển ở khu vực này khá hơn trước, kết cấu hạ tầng như đường, điện, trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi được đầu tư từng bước đồng bộ. Công tác định canh, định cư luôn được gắn với hoạch định và phát triển tổ chức thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, văn hóa. Giữ vững sự ổn định chính trị và đặc biệt là quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Do đó, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số có bước trưởng thành rõ rệt, đoàn kết các dân tộc được giữ vững dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống và đến nay đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Tuy nhiên, với tinh thần thẳng thắn, các vị ĐBQH đã chỉ rõ những tồn tại, những khó khăn, vướng mắc khi thực thi chính sách ở vùng này. Đó là những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ cho hộ nghèo, vì tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở vùng này còn cao. Điều kiện canh tác, điều kiện sản xuất để ổn định cuộc sống còn khó khăn, có hộ còn thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất. Một số chỉ tiêu đặt ra cho vùng này chưa đạt. Các chính sách phát triển, đặc biệt là nhiều chính sách, pháp luật đã ban hành nhưng thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, còn dàn trải. Cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm thực hiện các dự án chưa chặt chẽ, phân cấp chưa rõ ràng, nhiều dịch vụ như y tế, giáo dục, bảo hiểm, thông tin, báo chí có mặt còn hạn chế. Một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc miền núi cần được nghiên cứu thêm, do đó rất cần có sự phân định rõ ràng các tiêu chí về vùng dân tộc, miền núi từ các xã, các thôn, các bản, phum, sóc, buôn, làng, để có sự đầu tư tập trung, ưu tiên hơn. Đặc biệt, phải rà soát, bổ sung, thu gọn hệ thống chính sách dân tộc thành một chương trình thống nhất. Các vị ĐBQH đã nhất trí cao với việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030, đối tượng điều chỉnh là các dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ gia đình và người dân tộc Kinh nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt, khó khăn, cùng với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hiện nay đang đầu tư phát triển ở vùng này.
Như vậy, các vị đại biểu đã khẳng định, việc đầu tư cho vùng dân tộc miền núi thực sự đã quan tâm đến vùng đặc biệt khó khăn, vì thực chất vùng này toàn là vùng đặc biệt khó khăn. Các vị ĐBQH thống nhất tên của đề án là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các vị ĐBQH đã nhất trí cơ bản với các mục tiêu đến năm 2025-2030 mà Đề án đã đề cập, nhất là một số nội dung đồng chí Đỗ Văn Chiến đã tiếp thu về thu nhập, tỷ lệ giảm hộ nghèo, tỷ lệ độ che phủ rừng và việc sắp xếp dân cư, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động qua đào tạo, về văn hóa, về bảo hiểm y tế và các chính sách khác về xã hội.
Với tinh thần thẳng thắn, các ĐBQH đã góp ý, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện đề án. Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng đã có tiếp thu. Đề nghị quan tâm thêm các chính sách phát triển lâm nghiệp, chính sách về đất ở, nhà ở, đặc biệt về lâm nghiệp phải phát huy lợi thế, thế mạnh của vùng này, vùng còn rừng để người dân có thu nhập từ rừng, sống được từ rừng. Các chính sách khác về kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt chú ý đến các nhóm dân tộc rất ít người, dưới 10.000 người trở xuống. Hiện nay còn 16 dân tộc, các đồng chí đã góp ý kiến.
Chú ý thực hiện bình đẳng giới, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác vận động quần chúng trong vùng dân tộc thiểu số để vừa khơi dậy, vừa động viên, vừa khích lệ đồng bào, nhưng cũng động viên, vận động đồng bào không trông chờ vào nhà nước mà phải cố gắng vươn lên, không cam chịu đói nghèo.
Coi trọng công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, coi đây là nền tảng tinh thần của đồng bào để động viên, khích lệ trong thời kỳ mới, gắn với phát huy và thực hiện nhiệm vụ du lịch, gắn với phát triển kinh tế du lịch ở vùng này.
Cũng có ý kiến đề nghị chính đồng bào mình, các dân tộc có trách nhiệm, bản thân tự thân cũng phải có trách nhiệm để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, kể cả tiếng nói, chữ viết.
Quốc hội cũng góp ý chú ý quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ về công tác ở vùng dân tộc thiểu số. Tôi rất tâm đắc những kiến này, cần chú ý hơn nữa đến cán bộ làm công tác dân tộc trong cả nước. Chú ý xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số vững mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân để chúng ta bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia thực sự vùng này là phên giậu của Tổ quốc.
Với trách nhiệm của mình, Quốc hội đã nhất trí cao về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đề án tổng thể này. Quốc hội cũng nhất trí cao giao Chính phủ thực thi điều hành có hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hàng năm có báo cáo Quốc hội có sơ kết, tổng kết.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công đề án quan trọng này của quốc gia.