Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia góp ý cho các dự án luật trên. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành các phiên thảo luận.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chủ trì thảo luận. |
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Chẩu Văn Lâm cho rằng Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua thì chế độ được hưởng của cán bộ công chức văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND, văn phòng UBND là khác nhau…. vấn đề này cần được tính tới để đảm bảo công bằng, tránh sự không thống nhất về chế độ khi sáp nhập các văn phòng.
Đại biểu Chẩu Văn Lâm cũng nhấn mạnh, việc sáp nhập 2 văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cần cân nhắc trên các yêu tố như chức năng nhiệm vụ hoạt động của từng văn phòng. Trên thực tế hoạt động của Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND có nhiều điểm tương đồng, trong khi văn phòng UBND có đặc thù là cơ quan tham mưu thuộc khối thực thi các chính sách, nghị quyết vì thế cần có sự độc lập về hoạt động.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, chủ trương sáp nhập 3 văn phòng hiện nay đang thí điểm tại 12 tỉnh là không phù hợp. Đại biểu dẫn chứng từ chức năng giám sát, đây là một trong chức năng quan trọng của ĐBQH và đoàn ĐBQH tại các địa phương, trong khi chánh văn phòng là người lên kế hoạch giám sát, tham mưu nội dung cho đoàn ĐBQH, nhưng khi có kết quả giám sát cũng chính chánh văn phòng lại là người trình cơ quan chịu sự giám sát để kiến nghị. Việc này đã và đang tạo ra những hạn chế như không khách quan, việc tổ chức giám sát và kết quả giám sát không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động của đoàn ĐBQH tại địa phương. Vì vậy đại biểu đề nghị nếu như có sáp nhập thì sáp nhập văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND, còn kinh phí thì thực hiện như khóa XIII tức là do Ngân sách Trung ương cấp toàn bộ hoạt động của Đoàn ĐBQH và của văn phòng.
Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng quy định ít nhất 35% là phù hợp, bởi chỉ có đảm bảo số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách thì mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội tại địa phương nhất là các hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, số lượng đại biểu chuyên trách có thể mở rộng hơn tại các đề án khi tiến hành bầu cử. Đại biểu Ma Thị Thúy cũng cho rằng với quy định của Trung ương là phó trưởng đoàn chuyên trách là Tỉnh ủy viên, trưởng đoàn là Thường vụ Tỉnh ủy là hợp lý, luật sửa đổi lần này cần luật hóa những quy định trên để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ khi thực hiện giữa các địa phương. Đối với vị trí vai trò của ĐBQH chuyên trách, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng hiện nay vấn đề này chưa có hướng dẫn cụ thể như việc thi đua khen thưởng, đánh giá chưa cụ thể, cần được quy định cụ thể trong luật.
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại phiên thảo luận. |
Về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội, đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với nghị quyết về việc cần thiết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bởi những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện. Đoàn ĐBQH Tuyên Quang cho rằng ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên...