Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy góp ý Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 23-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là một bộ luật lớn, có tác động sâu rộng tới nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong xã hội và nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân thời gian qua. Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã phát biểu góp ý vào một số nội dung quan trọng của dự án luật này.

Với các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 34, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, nếu quy định chấm dứt hợp đồng lao động khi “hết hạn hợp đồng lao động” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, lao động nữ khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết hạn hợp đồng lao động thì đương nhiên hợp đồng lao động sẽ chấm dứt. Trong khi đó, lao động nữ rất khó tìm việc làm mới do đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cuộc sống, nuôi dưỡng thai nhi, chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi. Do vậy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định đối với những trường hợp này được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi. 

Về mức lương tối thiểu quy định trong luật, đây là vấn đề tác động trưc tiếp tới cuộc sống và chất lượng công việc của người lao động, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nội dung về "mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ" dựa trên tiêu chí nào. Cùng với đó đề nghị bổ sung quy định giao cho Chính phủ có trách nhiệm xác định "mức sống tối thiểu" và thời điểm công bố "mức sống tối thiểu" làm căn cứ để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức lương tối thiểu hàng năm.


Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại kỳ họp. 

Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh: “Quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động trong dự thảo luật là 48 giờ/tuần, và như vậy số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; trong khi đó, theo Quyết định số 188 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ, chúng ta đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội. Trong 20 năm qua, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự bất bình đẳng lớn trong lực lượng lao động giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước, đây là vấn đề cần được giải quyết kịp thời. Việc giảm thời gian làm việc bình thường nhằm đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động. Về phía doanh nghiệp, điều này cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động”.

Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội quy định cụ thể giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 40 hoặc 44 giờ/tuần, vì nếu chỉ quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ như trong dự thảo thì không giải quyết được vướng mắc một cách triệt để và không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

Đại biểu Ma Thị Thúy chia sẻ: “Về thực chất, không có người lao động nào muốn làm thêm giờ nếu tiền lương, thu nhập của giờ làm việc bình thường đã đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Việc quy định về thời giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực, tăng thêm thu nhập cho người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của người lao động, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội… và cả xu hướng của thế giới hiện nay (giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi); đồng thời việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động”. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định cụ thể về việc "người sử dụng lao động không được cắt giảm các khoản hỗ trợ khác đối với người lao động khi người lao động không nhất trí làm thêm giờ". 

Về vấn đề quy định tuổi nghỉ hưu, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng Quốc hội, Chính phủ phải cân nhắc thận trọng xem xét đến các yếu tố, đối tượng, lĩnh vực ngành, nghề, vùng miền và cần được thiết kế linh hoạt hơn như các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và nhóm viên chức sự nghiệp giáo dục, y tế... người làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn... 

Về tổ chức bữa ăn ca cho người lao động trong các doanh nghiệp, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, bữa ăn ca có đặc thù về yêu cầu dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng tái tạo sức lao động. Đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét bổ sung thêm nội dung trên vào dự thảo Bộ luật và quy định cụ thể về việc người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động theo hướng: Quy định các mức tiền tối thiểu chi cho bữa ăn ca tương ứng với mức độ lao động nặng nhọc của các nhóm ngành, nghề (như quy định đối với chế độ bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đang thực hiện) và được tính theo tỷ lệ so với mức tiền lương tối thiểu vùng.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục