Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành phiên thảo luận.
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. |
Tại phiên thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đạt được những kết quả ấn tượng. Tốc độ tăng tưởng kinh tế cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã cho thấy sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, những chủ trương chính sách của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, các chỉ tiêu Quốc hội giao đã đạt, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đại biểu đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ triển khai trong năm 2020.
Đưa ra thực tế từ hoạt động tiếp xúc cử tri tại địa phương, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, tình trạng chồng chéo giữa các luật hiện nay đang gây cản trở không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tình trạng chậm trễ ban hành các văn bản dưới luật cũng gây khó khăn cho việc áp dụng ở cơ sở, nhất là trong ngành giáo dục, quy định về tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức và công tác phối hợp công tác giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông….
Về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng những năm qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào được nâng lên đáng kể. Mặc dù nhiều chính sách được ban hành, trong đó có chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tuy nhiên các chính sách này còn chưa hiệu quả do nguồn lực hạn chế. Do vậy, việc hỗ trợ đất ở mới đạt 13%, số hộ được sử dụng nước sạch mới đạt 15%. Vẫn còn hơn 24.500 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát chưa được bố trí hỗ trợ định cư; trên 58 nghìn hộ thiếu đất sản xuất… Nếu đề án được ban hành, đại biểu kỳ vọng sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc hiện tại, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần quy định rõ trong đề án về phát huy vai trò của người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số có việc làm ổn định.
Đại biểu Hoàng Bình Quân cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư lớn từ nước ngoài, đây được đánh giá là thời cơ thuận lợi cho kinh tế trong nước phát triển. Tuy nhiên, thời điểm này có nhiều thách thức, bởi đầu tư nước ngoài nếu không có chọn lọc kỹ lưỡng thì tiềm ẩn nhiều rủi ro cho phát triển bền vững, Chính phủ cần hết sức quan tâm tới vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, đại biểu Chẩu Văn Lâm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, đồng tình với các ý kiến đã phát biểu, đặc biệt là những nhận định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019. Đại biểu cho rằng, những kết quả khả quan đó đã thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều đổi mới của Chính phủ, sự chung tay của các địa phương đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đại biểu thể hiện sự tin tưởng với những kết quả tích cực đó, trong những tháng cuối năm 2019, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.