Đây là một trong những nội dung của Tờ trình phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Phiên họp toàn thể chiều nay của QH.
Đề ra các mục tiêu cụ thể
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc xây dựng và ban hành Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hầu hết các Bộ, ngành, địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số đồng tình, ủng hộ. Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 |
Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030. Trong đó, các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 5%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải, 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020...
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số dân tộc thiểu số; 95% người dân tộc thiểu số biết nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp; 80% xã, thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống; không còn hộ đói; giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; phấn đấu 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực...
Đề án cũng nêu ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn như: Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021- 2030 (gồm 8 dự án thành phần, đã được nêu cụ thể trong Đề án); Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số...
Cần giải pháp tổng thể
Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án như lý do cơ quan soạn thảo đã nêu và cho rằng, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi rõ rệt. Nhưng hiện nay, đây vẫn là vùng khó khăn nhất. Khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung cả nước chưa được thu hẹp mà có xu hướng ngày càng doãng ra.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 |
Mặt khác, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện có 118 văn bản chính sách còn hiệu lực, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, khó lồng ghép, hiệu quả không cao, khó xác định rõ trách nhiệm. Do đó, cần phải có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước, như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Từ việc xem xét, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2018, tại Kỳ họp thứ Sáu, QH ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình QH xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám để thực hiện từ năm 2021. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xây dựng, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Đây cũng là nội dung được Việt Nam cam kết trước cộng đồng quốc tế: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
"Việc QH phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là cụ thể hóa việc thực hiện khoản 5, Điều 70 Hiến pháp năm 2013, tạo bước ngoặt mới, đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói.
Hội đồng Dân tộc đề nghị, QH xem xét phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tại kỳ họp này. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, QH giao cho Chính phủ tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trình QH xem xét, quyết định trong năm 2020, để thực hiện từ năm 2021.