Các vị đại biểu dự phiên thảo luận Tổ.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành các dự án luật trên. Một số ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, phân cấp cho cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tỉnh; việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh cũng không cần thiết phải xin chủ trương…đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một số đại biểu nghiên cứu không nên cắt giảm điện mặt trời áp mái. Cắt giảm thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 68 của Trung ương, bỏ bớt các thủ tục xin chủ trương…
Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng tình thống nhất cao với tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ tổng thể các vấn đề bất cập, cấp bách để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Về sửa đổi, bổ sung hệ thống quy hoạch, đại biểu đề nghị quy định rõ về "thời điểm xác lập vùng" đối với quy hoạch vùng, vì quy hoạch vùng phụ thuộc vào việc xác định vùng cụ thể, nếu chậm hoặc không xác định rõ sẽ gây vướng mắc cho tiến độ lập quy hoạch tiếp theo. Do đó, nên quy định thời hạn Chính phủ ban hành quyết định xác lập vùng, đồng thời giao Chính phủ ban hành các danh mục quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Về quy định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được phép lập đồng thời. Theo đại biểu việc lập đồng thời các quy hoạch sẽ gặp khó khăn, do thiếu căn cứ, sự đối chiếu quan hệ giữa các cấp độ quy hoạch. Nên nghiên cứu quy định về việc cấp độ quy hoạch nào lập trước: Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành lập đồng thời; quy hoạch tỉnh lập sau để tránh việc mâu thuẫn quy hoạch. Về định hướng sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Đề nghị nghiên cứu quy định rõ mức độ, phạm vi thể hiện trong quy hoạch tỉnh, nhằm tránh trùng lắp những nội dung quy định trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được lập theo Quy định Luật Đất đai năm 2024, vì theo quy định tại của Luật Đất đai năm 2024 thì quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh lập riêng, không lập phương án phân bổ đất đai trong Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch trước đây. Về điều chỉnh quy hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét giữ nguyên nội dung quy định của luật hiện hành về việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đối với việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nhưng có ảnh hưởng đến môi trường chiến lược của địa phương. Trường hợp nếu điều chỉnh quy hoạch với quy mô, nội dung lớn mà không đánh giá môi trường sẽ gây rủi ro cho tính bền vững; cần làm rõ tiêu chí, điều kiện không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung về quy trình lập quy hoạch tỉnh, dự thảo đã bổ sung nhiều bước chi tiết hơn, tuy nhiên không quy định rõ cơ quan hướng dẫn kỹ thuật việc lập quy hoạch, dễ dẫn đến mỗi nơi làm mỗi kiểu, thiếu đồng bộ. Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm hướng dẫn chi tiết quy trình lập quy hoạch để địa phương thống nhất thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Tuyên Quang phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi nhằm thể chế hoá kịp thời những chủ trương đường lối của Đảng, khắc phục những điểm bất cập của luật hiện hành và để đáp ứng điều kiện của các thoả thuận quốc tế mà Việt Nam làm thành viên. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung kịp thời một số nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là quyền kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khoẻ của cộng đồng và phải được quy định trong luật. Rà roát các luật và văn bản dưới luật để đảm bảo các ngành nghề cấm kinh doanh được luật hoá, tránh trường hợp quy định ở các văn bản dưới luật dẫn đến hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Về nguyên tắc chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm. Nguyên tắc này được luật hoá sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cắt giảm các thủ tục hành chính, các rào cản về giấy phép con cho doanh nghiệp vì hiện này các điều kiện kinh doanh chủ yếu nằm ở các văn bản dưới luật, có nhiều điều kiện ko cần thiết phát sinh thêm nhiều giấy phép con, khiến doanh nghiệp bị kìm hãm gia nhập, hoạt động, tốn thời gian và chi phí không cần thiết, đồng thời bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào kết quả thực hiện các thủ tục này sẽ giúp tăng tính kịp thời, tính tuân thủ để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; bổ sung các hành vi bị cấm kinh doanh được nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW như: Nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, hành vi bảo hộ, các hành vi đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân. Về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, đề nghị bổ sung tình trạng doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, do đây là tình trạng doanh nghiệp không thuộc 07 tình trạng đang được nêu tại dự thảo. Về cắt giảm thủ tục hành chính, xem xét bỏ các nội dung yêu cầu trong đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên, nên sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh việc doanh nghiệp mất thời gian, chi phí đi công chứng…
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên thảo luận Tổ.
Về yêu cầu doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: nên xem xét bỏ quy định khi doanh nghiệp thay đổi một số nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như Điều lệ, chữ ký của chủ doanh nghiệp… để tránh mất thời gian, chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Về tên doanh nghiệp, hiện nay luật quy định về quy cách đặt tên doanh nghiệp quá kỹ, trong khi đây là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, đại biểu băn khoan vì thực tế đây là lý do rất nhiều doanh nghiệp có thể bị từ chối cấp đăng ký kinh doanh do sơ xuất về các quy cách đặt tên. Một số nội dung xem xét lược bỏ do không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, như: Quy định về các nội dụng cụ thể của văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; Biên bản họp Hội đồng thành viên; Phiếu lấy ý kiến cổ đông…