Quốc hội khóa XV quyết định tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ Nhất

Ngày 28/12/2021, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản số 586/TTKQH-TH gửi các đại biểu Quốc hội về việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV.

Kỳ họp khai mạc vào ngày 04/01/2022 và bế mạc vào chiều ngày 11/01/2022. Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tham dự kỳ họp tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.


Họp báo công bố dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: daibieunhandan.vn

Kỳ họp bất thường sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định 04 nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (2) Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; (3) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; (4) Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chức năng ở địa phương để chuẩn bị và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; công nghệ thông tin; an ninh, an toàn; phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa điểm họp của Đoàn trong thời gian diễn ra kỳ họp.

Đối với 04 nội dung dự kiến trình tại kỳ họp, các cơ quan, đơn vị chức năng đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh làm rõ về quy mô đầu tư; sự phù hợp với quy hoạch của các ngành, địa phương có liên quan; tính kết nối của Dự án với các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ khác và cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics... Tiếp tục rà soát hướng tuyến, các điều kiện khác, bảo đảm hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho Dự án; giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất; làm rõ thời gian hoàn thành Dự án.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất và đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa nội dung chính sách, xác định mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nguyên tắc của việc thiết kế gói chính sách; nhấn mạnh phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thực sự có giải pháp tài chính, tiền tệ tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, phải có chính sách về y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động; các lĩnh vực an sinh xã hội, thị trường lao động; về đầu tư kết cấu hạ tầng…

Các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp, gồm: Phiên khai mạc; phiên bế mạc và các phiên họp quan trọng khác./.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục