Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Chiều ngày 04/01/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng tổ thảo luận số 59 chủ trì thảo luận.

Tham dự phiên thảo luận tổ có đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tuyên Quang.


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều nhất trí, đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết; đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Tờ trình của Chính phủ với mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời có một số ý kiến đề nghị, cụ thể như:

Đại biểu Chẩu Văn Lâm đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ về ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước đạt 2.58%, tuy nhiên các tỉnh, thành phố trong cả nước đã duy trì khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời có giải pháp phòng chống dịch kịp thời, khơi thông sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, tuy nhiên mới chỉ là chính sách ngắn hạn, nếu không có gói kích thích để kích cầu, duy trì phục hồi tăng trưởng, trong dài hạn chịu sự tác động rất lớn… đại biểu đề nghị, để tổ chức thực hiện phát huy hiệu quả, cần tăng cường các công cụ giám sát, đánh giá, để các chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả; cần điều chỉnh linh hoạt một số chỉ tiêu…; điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công trung hạn; quan tâm những chương trình, dự án, khai thông, lưu thông sản xuất kinh doanh dịch vụ tạo công ăn việc làm, tập trung tốt 5 nhóm giải pháp; tập trung nguồn lực thực hiện tối đa nhóm giải pháp chống dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tập trung đảm bảo an sinh xã hội hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đặt trọng tâm ưu tiên cơ sở hạ tầng trọng điểm liên kết vùng thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, việc triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang sẽ tăng cường tính kết nối của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc; kết nối tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; Ngoài ra, Dự án này có tác động lan tỏa, đã cơ bản chuẩn bị xong thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế. Đặc biệt Dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc, kết nối thông thương tăng cường phát triển kinh tế cho các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây là các tỉnh có trình độ phát triển kinh tế còn thấp, cần được quan tâm đầu tư và phát triển vùng để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của các tỉnh.

Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch (đặc biệt là các ngành: Du lịch; dịch vụ ăn uống, lưu trú; vận tải hành khách…); hoạt động sản xuất và chế biến nông sản, thủy sản gặp khó khăn cả trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, thị  trường trong nước và xuất khẩu chủ yếu do thiếu lao động; chi phí đầu vào tăng cao, vận chuyển lưu thông hàng hóa chậm, ún ứ, ách tắc; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, đặc biệt là trong năm 2021; về văn hóa, xã hội, y tế đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn; trẻ em mồ côi, người già, người lang thang cơ nhỡ, người có hoàn cảnh khó khăn là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất… đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung thêm giải pháp đầu tư phát triển con người. Vì hệ thống y tế cơ sở còn thiếu và yếu không đủ năng lực trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; Quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ y bác sỹ nhất là thời điểm hiện nay, đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách việc làm cho công nhân do mất việc làm tại các địa phương. Về lâu dài cần tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong đề án Chính phủ dự kiến bố trí vốn cho một số dự án đường cao tốc hiện nay chưa có trong kế hoạch đầu tư Trung hạn giai đoạn 2021-2025, như dự án cao tốc đoạn Tuyên Quang - Hà Giang, theo nhận định của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội hiện nay chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-3030 tầm nhìn 2050. Đại biểu cho rằng Dự án trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Tuyến đường quy hoạch hình thành trục đường kết nối nhanh chóng, thuận tiện từ tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Với những điểm nghẽn về kết nối giao thông liên vùng, nội vùng của tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, nhân dân 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đều mong mỏi việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang sớm được triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị cần đánh giá kỹ dư địa cụ thể việc giảm lãi suất năm 2022-2023; đồng thời Chính phủ cần quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn, kiểm soát chặt chẽ đối tượng được giảm lãi xuất, tránh trục lợi chính sách. Về xử lý nợ xấu đề nghị Chính phủ có kế hoạch gia hạn Nghị quyết số 42/2017/QH14 vì đến tháng 7/2022 là hết hiệu lực.

Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, bài bản để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đề nghị cần tập trung giảm lãi suất đối với một số ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid -19; tập trung huy động nguồn lực lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; tập trung hỗ trợ y tế cơ sở, hỗ trợ lĩnh vực du lịch; ưu tiên phân bổ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gắn với chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo./.

Phòng Công tác Quốc hội
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục