Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng ngày 20-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi thảo luận tại tổ gồm đại biểu các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La.



Đồng chí Chẩu Văn Lâm và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì phiên thảo luận tổ.

Dự buổi thảo luận có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu đều tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật trên, trong đó chủ yếu là quy định hiệu lực thi hành của 4 luật sớm hơn 5 tháng (từ 01/8/2024), nhằm kịp thời đưa các nội dung, quy định mới của 4 luật trên sớm đi vào cuộc sống, khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thu hút đầu tư nhà ở xã hội, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện thông thoáng hơn để công nhân, người có thu nhập thấp mua, thuê nhà ở xã hội…


Các vị đại biểu dự phiên họp tổ.

Tuy nhiên các đại biểu cũng băn khoăn, vì từ nay đến thời điểm có hiệu lực của các luật không còn nhiều, trong khi các vấn đề nội dung, giao Chính phủ quy định, hướng dẫn là rất lớn, mặt khác các địa phương cũng phải căn cứ vào các thông tư, nghị định hướng dấn để thể chế hóa theo thẩm quyền nhiều quy định của các luật trên, nhất là về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Tránh tình trạng tạo khoảng trống pháp lý, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo cụ thể tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo quy định; làm rõ tác động, dự báo những khó khăn, vướng mắc và giải pháp xử lý đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thi hành của các luật trên, đồng thời Chính phủ và và các bộ, ngành có liên quan cần tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật trên một các đồng bộ, kịp thời với thời điểm có hiệu lực (sau khi điều chỉnh) của các luật đảm bảo Luật sớm đi vào cuộc sống có hiệu quả và góp phần tháo gỡ vướng mắc hiện nay./.

Tuấn Anh

Tin cùng chuyên mục