Đại biểu Âu Thị Mai góp ý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 26-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và nội dung cơ bản của dự án Luật, đồng thời tham gia vào một số nội dung:



Toàn cảnh phiên họp tại hội trường

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật quy định các di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, trao truyền trong quá trình lịch sử và thích ứng của cộng đồng chủ thể với môi trường tự nhiên, xã hội bao gồm 06 loại hình gồm: Các biểu đạt truyền khẩu và truyền thống; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống. Trong khi xuyên suốt từ Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Nghị định của Chính phủ về Quy định biện pháp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO ghi danh và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản gồm: Tiếng nói chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống. Do đó đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định các loại hình cũng như khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo Luật đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành.


Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu tham gia góp ý Luật
Di sản văn hóa (sửa đổi)

Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân. Đặc biệt, tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản. Với tầm quan trọng đó, dự thảo Luật lần này luật hóa việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê toàn quốc 10 năm một lần, bởi vì dựu thảo đã quy định: Hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập hồ sơ thường xuyên, liên tục, hằng năm; đồng thời dự thảo cũng quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm kê toàn tỉnh 5 năm một lần. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ cơ sở và sự phù hợp của mốc thời gian kiểm kê như dự thảo Luật, vì với quy định mốc thời gian như vậy, trường hợp khi Luật có hiệu lực, từ năm 2025 các địa phương sẽ kiểm kê, đến năm 2030 lại tiếp tục kiểm kê.

Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, thời gian qua việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân mới tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu: Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…và một số chính sách hỗ trợ nhưng mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ cũng đã có quy định về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên rất ít Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ bởi không đạt được các tiêu chí theo quy định. Trước những bất cập nêu trên, đại biểu đồng tình cao với việc dự thảo Luật lần này quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, theo đó tất cả nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được thụ hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ của nhà nước chứ không chỉ riêng đối với các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của nhà nước, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi, đồng thời rà soát nội dung để tránh trùng lặp.

Về cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong việc cho phép đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, như: Việc đầu tư, xây dựng công trình phải đảm bảo nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường; các quy định về thẩm định, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của các công trình được đầu tư xây dựng. Bởi trên thực tế, thời gian qua tại một số địa phương, nhất là các đô thị lớn, nhiều công trình xây dựng đã đe dọa, thậm chí làm biến dạng nghiêm trọng đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Về nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đại biểu đồng tình với dự thảo Luật bổ sung quy định về nguồn tài chính để bảo vệ phát huy di sản bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; các khoản viện trợ, tài trợ, cho tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ "nguồn thu từ di sản văn hoá” là nguồn thu từ những khoản nào và được chi vào những việc gì. Bởi việc quản lý nguồn thu và sử dụng nguồn thu là vấn đề lớn, phức tạp, do đó cần phải có cơ chế để quản lý tốt nguồn thu, góp phần tăng thêm kinh phí cho việc đầu tư bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào trách nhiệm của Bộ, ngành liên quan trong việc đảm bảo nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục