Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về 03 dự án Luật, Nghị quyết

Chiều ngày 17-6, Quốc hội thảo luận tại các tổ đại biểu về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh, chủ trì thảo luận tại Tổ gồm các đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Đà Nẵng, Tây Ninh, Sơn La.

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014. Dự thảo Luật quy định về: Mô hình, phạm vi công chứng; tiêu chuẩn, điều kiện của công chứng viên; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương với công chứng; nguyên tắc xử lý kỷ luật công chứng viên, giải quyết khiếu nại và tranh chấp trong hoạt động công chứng; hoàn thiện hệ thống pháp lý về cơ sở dữ liệu, lưu trữ hồ sơ công chứng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp;…


Các vị đại biểu dự phiên thảo luận tổ.

Dự án Luật Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 04 Chương, 18 Điều. Về cơ bản, dự thảo Luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn một số nội dung như: Thu gọn đối tượng không chịu thuế GTGT; bổ sung giá tính thuế GTGT đối với 02 nhóm hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, dịch vụ kinh doanh: Ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược; bổ sung quy định về phương pháp khấu trừ thuế, phương pháp tính trực tiếp để luật hóa một số quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; hoàn thiện các quy định về thuế suất và hoàn thuế;...

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết và những nội dung cơ bản của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.


Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên họp tổ.

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng qua gần 10 năm thực hiện Luật đấu giá tài sản đã bộc lộ một số bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Đại biểu đề nghị cần giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian  tích lũy kinh nghiệm để bổ nhiệm công chứng viên là 05 năm. Đối với quy định thời gian tập sự đối với công chứng viên, cần nghiên cứu giảm thời gian kinh nghiệm của công chứng viên hướng dẫn tập sự từ đủ 01 năm kinh nghiệm hành nghề công chứng trở lên nhằm đảm bảo nhu cầu cho các địa phương có số lượng công chứng viên còn thấp. Về quy định tạm ngưng hoạt động của văn phòng công chứng, nên xem xét bổ sung quy định đối với trường hợp công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng thì được tiếp tục thực hiện các yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng và người lao động có liên quan, quyền của người yêu cầu công chứng. Đại biểu cũng đề nghị quy định về trách nhiệm của Văn phòng công chứng thông báo chấm dứt hợp đồng thành viên hợp danh cho Sở Tư pháp; quy định cụ thể hơn phạm vi được công chứng đối với loại hợp đồng khác như hợp đồng đặt cọc, văn bản xác định nguồn gốc tài sản của vợ chồng thì đối tượng cần công chứng không phải là bất động sản mà là động sản. Ngoài ra, cần bổ sung điều kiện người làm chứng phải thông thạo tiếng Việt, phải đọc hiểu nội dung hợp đồng nhằm giải thích cho người được làm chứng biết rõ nội dung hợp đồng mà mình sẽ giao kết.


Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại phiên họp tổ.

Tham gia thảo luận đối với Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang nhất trí cao sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Luật. Đồng thời tham gia góp ý kiến một số nội dung sau:

1. Cần đánh giá kỹ lưỡng lý do và tác động của việc bổ sung đồng thời nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vào diện không chịu thuế nhằm đảm bảo mục tiêu đưa ra khi sửa luật là khắc phục các vướng mắc về số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

2. Đề nghị xem xét các nội dung giao chính phủ ban hành với một số nội dung quan trọng như: danh mục sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế; mức doanh thu hàng hoá, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam”.

3. Việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ trong điều kiện sự phát triển mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới (trung bình mỗi ngày giá trị hàng hoá được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,..là rất lớn) nhằm trách trục lợi chính sách

4. Cần tính đến tác động với người nông dân trong việc quy định chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang áp dụng mức thuế suất 5%, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Cân nhắc việc bỏ quy định hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với trường hợp người nộp thuế có tính tuân thủ, không thuộc đối tượng rủi ro cao để đảm bảo quyền lợi và khuyến khích đối với trường hợp người nộp thuế có tính tuân thủ tốt và không thuộc đối tượng rủi ro./.

Tuấn Anh

Tin cùng chuyên mục