Hiệu quả từ sự sáng tạo
Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ các địa phương cấu kiện làm nhà văn hóa gồm toàn bộ cột bê tông, vì kèo, xà gồ thép, tôn lợp, cửa đi, cửa sổ, chi phí vận chuyển, bốc xếp đến chân công trình hoặc địa điểm thi công gần nhất ô tô vận chuyển đến được. Người dân đóng góp thêm tiền, ngày công lao động để lắp đặt tùy vào cách làm của mỗi nơi.
Xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai xây dựng nhà văn hóa theo Nghị quyết 03. Thực hiện nghị quyết này, xã đăng ký xây dựng 5 nhà văn hóa tại 5 thôn. Đến nay, 5/5 thôn đã nhận đủ cấu kiện bê tông, triển khai thi công và đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy là xã vùng cao, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân còn khó khăn, nhưng Khuôn Hà đang là địa phương dẫn đầu về tiến độ thi công, có cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân làm nhà văn hóa.
|
Ông Trần Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Khuôn Hà cho biết, do thiếu thiết bị kỹ thuật hiện đại, nên người dân nghĩ phương pháp dựng nhà giả bằng cột, sau đó dựng khung. Người dân làm chắc từng công đoạn từ làm móng, dựng khung, lắp ghép, lợp mái. Giải bài toán khó khăn về đóng góp tiền làm nhà văn hóa của nhân dân, các thôn đã chia làm nhiều đợt; trong các khoản thu, chi đều họp bàn trong chi bộ, trưởng, phó thôn, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể sau đó họp toàn dân, thống nhất việc triển khai thực hiện.
Với những hộ nghèo, các thôn linh động cho đóng tăng ngày công... Ông Chẩu Văn Mùi, Bí thư Chi bộ thôn Lung May cho biết, trong quá trình thi công, cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân đều cùng chung sức, đồng lòng. Vì vậy trong vòng 10 ngày huy động sức dân, nhà văn hóa thôn đã cơ bản được hoàn thành.
Xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) có 7 nhà văn hóa thôn được hỗ trợ theo Nghị quyết, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 nhà văn hóa. Ông Nguyễn Văn Trác, Trưởng thôn Hồ Sen cho biết, khi có chủ trương, thôn tổ chức họp dân để mọi người đóng góp ý kiến về cách làm, mức đóng góp, hình thức đóng góp. Thôn thành lập tiểu ban xây dựng, tiểu ban giám sát.
Các thành viên trong tiểu ban xây dựng ngoài cán bộ thôn còn có người dân là những người am hiểu về nghề xây dựng. Trước khi dựng cấu kiện, bản vẽ thiết kế được xem xét kỹ lưỡng rồi dựng thử. Dựng đến đâu đánh dấu vị trí các xà, kèo, vì, cột để khoan rồi sau đó mới thuê máy móc để hỗ trợ dựng thật. Với cách làm này, thôn Hồ Sen không bị lúng túng trong dựng nhà văn hóa với những cấu kiện được hỗ trợ và đảm bảo các yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật, sự an toàn...
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có kế hoạch xây dựng 244 nhà văn hóa theo nghị quyết 03. Trong 114 nhà văn hóa theo kế hoạch năm 2016, đã có 72 thôn, bản được nhận cấu kiện và trong 130 nhà văn hóa kế hoạch của năm 2017 đã có 4 thôn, bản được nhận cấu kiện. Đến ngày 20-5-2017, có 47 thôn, bản ở 14 xã trong tỉnh đã hoàn thành việc làm nhà văn hóa từ kế hoạch vốn năm 2016.
|
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Trong số 244 nhà văn hóa mà các địa phương đăng ký thực hiện trong năm 2016 - 2017, bên cạnh những địa phương triển khai thuận lợi thì nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, huyện có kế hoạch làm 26 nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03 từ năm 2016 đến năm 2017. Tính đến ngày 2-6, huyện mới có 2 thôn nhận cấu kiện và triển khai thực hiện là thôn Nghe, xã Hùng Mỹ và thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập.
Việc xây dựng nhà văn hóa từ sự hỗ trợ cấu kiện là cách thức mới, sự đóng góp lớn từ công sức, vật chất của nhân dân, nên khi triển khai, nhiều địa phương gặp lúng túng. Việc vận chuyển cấu kiện tại nhiều thôn như Cao Bình, xã Hùng Mỹ, thôn Nà Tiệng, Nà Lụng, xã Yên Lập, không hề dễ dàng vì đường giao thông đi lại rất khó khăn.
Huyện Chiêm Hóa cũng có 6 thôn thuộc các xã Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang chưa triển khai làm nhà văn hóa vì có số hộ dân đông hơn so với thiết kế mẫu được hỗ trợ. Đối với 6 thôn này, UBND huyện đã đăng ký lại cấu kiện tăng diện tích đảm bảo quy mô đăng ký nhà văn hóa phù hợp với số hộ dân trong thôn. Các thôn có dưới 95 hộ dân, huyện đăng ký theo mẫu cấu kiện đã được phê duyệt.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hoàng Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết, trong quá trình triển khai làm nhà văn hóa có nhiều khó khăn, trước hết là về vốn, tiếp đến là việc cung ứng cấu kiện chưa có hố khoan và các cột để nối các vì kèo người dân phải tự khoan “mò”, nhiều khi khoan vào sắt gãy mũi khoan, nên mất rất nhiều thời gian. Những nơi vùng sâu, vùng xa điện yếu thì khó khăn càng nhiều hơn, không có nhiều người am hiểu về xây dựng, thiết kế nên không biết đọc bản vẽ.
Việc thiếu hướng dẫn cụ thể của các đơn vị liên quan cũng khiến nhiều địa phương gặp lúng túng khi thi công. Hướng dẫn số 152 của Sở Xây dựng ban hành ngày 10-3-2017 mới chỉ hướng dẫn chung có hai cách lắp đặt là lắp kèo vào cột, dựng cả vì; cách 2 là dựng cột trước, lắp vì kèo sau; thiếu hướng dẫn chi tiết. Trong quá trình thực hiện, không ít địa phương đọc bản vẽ không chuẩn nên khó làm.
Như tại xã Thái Long (TP Tuyên Quang), người thi công lấy đố ngang làm đố đứng và ngược lại; lấy hoa sắt trang trí ngoài hiên lắp lên đỉnh tường và ngược lại. Thôn 6 xã Trung Môn (Yên Sơn) thi công 2 cửa đi không cùng cốt nên 1 cửa chốt được, 1 cửa treo cao hơn nền 3 cm không chốt được...
Nhà văn hóa thôn Hồ Sen, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) vừa khánh thành và đưa vào sử dụng. |
Ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng cho biết, việc cung ứng cấu kiện hiện nay khó khăn do một số thôn, bản không có mặt bằng, không có điện để thi công, đề nghị cung ứng cấu kiện làm nhà văn hóa có diện tích lớn hơn thiết kế... Trong đó huyện Na Hang có 3 nhà văn hóa tại xã Hồng Thái; huyện Lâm Bình có 2 nhà tại xã Phúc Yên; huyện Chiêm Hóa có 6 nhà tại xã Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Xuân Quang; huyện Yên Sơn có 2 nhà tại xã Trung Môn; huyện Sơn Dương có 2 nhà tại xã Vĩnh Lợi và xã Đại Phú.
Kịp thời điều chỉnh các vướng mắc
Tại cuộc khảo sát về tình hình xây dựng nhà văn hóa theo Nghị quyết này ở một số địa phương mới đây của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, trước những vướng mắc, khó khăn của một số địa phương được khảo sát, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đề nghị đơn vị cung ứng cấu kiện phải khắc phục ngay những kỹ thuật trong thiết kế cấu kiện chưa phù hợp để các địa phương dễ thi công, lắp đặt. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh tiếp tục lắng nghe, nắm bắt các ý kiến phản ánh từ cơ sở, xem xét, điều chỉnh để nghị quyết đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thành Hưng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh và hứa sẽ kịp thời khắc phục những lỗi kỹ thuật liên quan đến trách nhiệm của công ty; đảm bảo việc cung ứng cấu kiện hợp lý, thuận tiện nhất cho các địa phương thi công.
Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh cho biết, sau cuộc khảo sát này, Ban sẽ chủ động mở rộng phạm vi khảo sát ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa để nắm rõ những vướng mắc ở từng địa bàn. Từ đó có sự điều chỉnh phù hợp linh hoạt, không để cứng nhắc. Đồng thời, Ban sẽ tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 03 trong thời gian tới.
Trước những vướng mắc của các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp kết quả rà soát nhu cầu các thôn, bản cần điều chỉnh cấu kiện, thiết kế để xây dựng phương án tổ chức thực hiện cụ thể; chỉ đạo các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc huy động sức dân chung sức làm nhà văn hóa, đảm bảo Nghị quyết hợp với lòng dân và mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ nhân dân.