Đường bê tông nội đồng thôn Ninh Bình, xã Ninh Lai (Sơn Dương). |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện diện tích đất lúa toàn tỉnh là trên 28.372 ha. Thời điểm trước năm 2010, số km đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn theo quy định là gần 20 km, đạt 1,22%. Giai đoạn 2010-2015, từ các nguồn vốn, toàn tỉnh đã thực hiện được trên 212 km, nâng tổng chiều dài đường trục chính nội đồng được cứng hóa lên 1.639,4 km. Trong đó Lâm Bình cứng hóa được trên 66 km, Nà Hang 100 km, Chiêm Hóa 457,7 km, Hàm Yên gần 120 km, Yên Sơn 435 km, Sơn Dương 422 km, TP Tuyên Quang trên 38 km. Chiêm Hóa là huyện hiện có chiều dài đường nội đồng trục chính đã được bê tông hóa dài nhất: 457,7 km. Trong quá trình làm, cán bộ xã, thôn đã tuyên truyền rõ chủ trương của tỉnh trong làm đường, vận động, kêu gọi người dân và tổ chức ủng hộ để việc làm đường đạt hiệu quả cao. Tại nhiều xã như Yên Nguyên, Hòa Phú, Trung Hòa, Phúc Thịnh... việc bê tông đường nội đồng đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung như rau màu, lạc, mía...
Tuy nhiên, con số được cứng hóa đạt chuẩn theo quy định mới chỉ khoảng 232 km. Như vậy, mật độ đường giao thông trục chính nội đồng tính theo chỉ tiêu km đường/km2 diện tích chỉ đạt 5,78km đường/km2diện tích đất lúa. Tỷ lệ cứng hóa đường trục chính nội đồng đạt thấp, chủ yếu tập trung tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện địa hình thuận lợi, các tuyến đường đã được cứng hóa theo quy định mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng nông thôn mặc dù đã được sự quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn khó khăn, đặc biệt là chỉ tiêu đường trục chính nội đồng. Xuất phát điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn thấp, qua rà soát khi mới bắt tay vào thực hiện, trong 129 xã thì chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông, qua hơn 5 năm triển khai, có 24 xã đạt chỉ tiêu số km đường trục chính nội đồng được cứng hóa trên 50%.
Thêm vào đó, do địa hình miền núi, bị chia cắt, dân cư không tập trung dẫn đến số km đường giao thông kéo dài để đầu tư đòi hỏi phải có thời gian, tốn kém. Việc triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, ngoài việc đầu tư từ các chương trình mục tiêu của nhà nước, cần sự đóng góp từ phía người dân, nhưng nguồn lực trong dân có hạn; các chính sách thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân tham gia cùng với nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Một số huyện vùng cao như Lâm Bình, Nà Hang - nơi đa phần người dân sống dựa vào nông nghiệp, thì lại là những nơi có địa bàn đất rộng, người thưa, đường liên thôn có những chỗ cả cây số chỉ có vài gia đình sinh sống. Đề ra mức đóng góp như thế nào đối với các hộ này cho phù hợp là chuyện không đơn giản. Yêu cầu góp tiền, hiến đất nhiều quá thì dân sẽ không nghe; mà ít quá thì sẽ tạo ra sự bất cập hoặc ý kiến so bì ở chỗ khác. Ngay cả vốn ngân sách, nhiều địa phương có khó khăn về nguồn thu, cho nên không bảo đảm được tiến độ đầu tư...
Mục tiêu của toàn tỉnh là đến 2020, sẽ cứng hóa được thêm 633 km đường trục chính nội đồng, đảm bảo đạt kế hoạch 50% số đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp vùng nông thôn. Hiện Sở Giao thông vận tải đang xây dựng đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn về tài chính cho từng khu vực riêng biệt. Bên cạnh việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, thì các khu vực vùng cao sẽ được hưởng thêm hệ số chênh lệch vùng miền, đối với những xã đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ thêm 20% kinh phí mua vật liệu làm đường. Đây được coi là đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, khi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang trở thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.