Quyền gắn liền với trách nhiệm!

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Một trong những điểm mới đáng chú ý của nghị quyết này là thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025.

Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những hạn chế. Trong đó, nguyên nhân do các Chương trình mục tiêu quốc gia còn dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền; chưa có cơ chế đặc thù để xử lý các nội dung vướng mắc, khó, nhạy cảm; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai, giảm hiệu quả thực hiện các Chương trình.

Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện sự phân cấp rất lớn cho địa phương khi thực hiện. Nghị quyết cũng nêu rõ, HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm. Căn cứ danh mục dự kiến đã báo cáo HĐND cấp huyện, UBND cùng cấp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo tổng vốn thực hiện các dự án…

Ngoài ra, HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Điều này thể hiện sự phân cấp khá triệt để khi thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh được “chuyển thẳng” cho HĐND cấp huyện thực hiện. Đây là cơ chế rất “thoáng”, là điều mà các địa phương rất muốn được quyền chủ động để làm, để rút ngắn nhiều khâu quy trình thủ tục, thời gian. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương mạnh dạn thực hiện, xóa bỏ tâm lý sợ sai mà không dám làm vì chưa đủ cơ sở pháp lý để chủ động thực hiện.

Tuy nhiên, quyền luôn đi liền với trách nhiệm. Và đây cũng chính là trách nhiệm rất nặng nề không chỉ đối với HĐND cấp tỉnh khi quyết định lựa chọn huyện để thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù. Bởi không phải giao xong là xong, mà gắn với giám sát quá trình thực hiện. Cùng với đó là trách nhiệm rất lớn của địa phương khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù này.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm đi đến cùng vấn đề giám sát của Quốc hội. Qua đó, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ triển khai thực hiện chính sách. Thực hiện phân cấp triệt để giữa trung ương và địa phương, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, là tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ, hiệu quả thực hiện chương trình. Đặc biệt, cần bố trí đủ nguồn lực để sớm triển khai hoàn thành tốt các chương trình theo yêu cầu đề ra, tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng thực hiện lại bị độ trễ.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục