Để cụ thể hóa Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt các Đề án, xác định mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020: Kiên cố hoá 780 km kênh mương, đạt tỷ lệ trên 70% kênh mương toàn tỉnh; bê tông hóa trên 414,18 km đường nội đồng, đạt tỷ lệ trên 35% đường bê tông nội đồng toàn tỉnh; xây dựng 595 nhà văn hóa, đạt tỷ lệ trên 40% nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định.
Nhân dân phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang xây dựng đường giao thông nội đồng |
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để đầu tư xây dựng 03 công trình; giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đã kiên cố hóa 944,87 km kênh mương, vượt mục tiêu đề ra 21%; tổng kinh phí thực hiện 822.340,37 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 164.324,29 triệu đồng (chiếm 20%) vượt mục tiêu đề ra 32,47%. Bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất 470,62 km, vượt mục tiêu đề ra 13,63%; tổng kinh phí thực hiện 288.683,22 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 158.458,22 triệu đồng (chiếm 54,9%), vượt mục tiêu 4,76%. Xây dựng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao với tổng kinh phí 255.313 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 114.960 triệu đồng (chiếm 45%).
Kết quả trên đã nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh lên 2.871,82km/3.712,39km đạt 77,36%, vượt mục tiêu Nghị Quyết số 15-NQ/TU ngày 22/2/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) là 7,36%; nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh lên 702,906km/1.639,46km đạt 42,87%, vượt mục tiêu nghị quyết 7,87%; nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh lên 1.183 nhà/1.739 nhà đạt 68,02%, vượt mục tiêu nghị quyết 28,02%.
Dân quân tự vệ và người dân xã Phù Lưu kiên cố hóa kênh mương nội đồng. |
Đạt được kết quả trên có thể khẳng định nghị quyết của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, được người dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất… để tổ chức xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, tác động tích cực đến diện mạo, làm đổi thay bộ mặt của nông thôn, góp phần tạo động lực cơ bản để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau khi đưa vào quản lý, sử dụng, hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất cây trồng phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa của các địa phương trong tỉnh. Các công trình nhà văn hóa đưa vào sử dụng không chỉ là nơi để bà con nhân dân hội họp mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao của nhân dân trong các thôn, bản, tổ dân phố, thu hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân đến tham gia sinh hoạt. Hoạt động của các nhà văn hoá đã mang lại hiệu quả tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc.
Hiện nay, nhu cầu xây dựng các công trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn, thành công của giai đoạn 2016-2020, là động lực, tiền đề để Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025./.