Cần có quy hoạch và chính sách hỗ trợ người trồng Dâu tây ở Na Hang

Với kỹ thuật chăm sóc không quá khó, thời gian cho thu hoạch ngắn cũng như số vốn đầu tư ban đầu phù hợp với khả năng về kinh tế, chị Giàng Thị Sao, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang đã lựa chọn trồng cây dâu tây để khởi nghiệp.

Trăn trở làm kinh tế trên mảnh đất quê hương, qua thời gian tìm hiểu nhiều loại cây trái chị Sao nhận thấy, quả dâu tây có màu đỏ vị chua pha lẫn ngọt nên rất phù hợp với gu ẩm thực của nhiều người, quả dâu tây có thể dùng để ăn trực tiếp, làm sinh tố, sữa chua, kem, cùng một số món ăn khác. Dâu tây có giá thành khá đắt do khí hậu và đất đai để trồng loại trái cây này rất ít vùng phù hợp. Ở Việt Nam, dâu tây chủ yếu trồng ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Quá trình tìm hiểu, chị Giàng Thị Sao nhận thấy thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Na Hang mùa thu, mùa đông gần giống với Đà Lạt và thích hợp cho việc canh tác, trồng loại trái cây này. Năm 2018, với 10 gốc dâu tây trồng thử nghiệm ở vườn nhà, sau hơn 3 tháng đã ra hoa và cho thu hoạch nhiều quả ngon, ngọt, thơm hương vị đặc trưng, chị Sao quyết định đầu tư thêm 20 triệu đồng mua giống, ni lông che phủ và hệ thống tưới tự động, mở rộng quy mô vườn dâu tây lên 700 m2, chủ yếu là giống dâu tây Nhật Bản, New Zealand.


Chị Giàng Thị Sao kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng.

Chị Sao chia sẻ: Ban đầu chị cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa biết cách chăm sóc, cây chết nhiều vì vậy lỡ thời vụ, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tây trên mạng Iternet và các hội nhóm trồng dâu tây, chị thấy dâu tây cũng dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Đây là loại cây trồng không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật nhưng phải là người chịu khó, dành tâm huyết với sản phẩm, tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc thì mới thành công được. Chị tiết lộ khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển của dâu tây, đó là chọn giống. Cây giống phải là những cây khỏe mạnh, khi trồng mới có khả năng kháng bệnh cao. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp, đất đã làm sạch, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển của dâu tây... Tùy theo thời tiết mà điều chỉnh lượng nước tưới cũng như lần tưới phù hợp. Nếu trời nắng thì tưới 2 lần mỗi ngày (tưới vào sáng sớm và chiều tối)...  Một cây dâu tây nếu không bị sâu bệnh thì có thể cho thu hoạch trong vòng hai năm tương đương với 2 vụ; mỗi vụ một cây có thể cho thu hoạch từ 25 đến 30 quả to đều, thơm ngon; nếu giống cây chất lượng và chăm sóc tốt thì cây có thể cho ra nhiều trái hơn, giá trị kinh tế của dâu tây đem lại rất cao. Mỗi tháng vườn cho thu hoạch 7-8 lần, mỗi lần 5-6 kg, với giá thị trường từ 280 đến 350 nghìn đồng/kg, mỗi tháng chị Sao có thu nhập từ trồng dâu tây trên 10 triệu đồng.


Vườn dâu tây được đầu tư phát triển diện tích.

Năm 2019, chị mở rộng diện tích trồng lên 3.000 m2  và được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ gần 100 triệu đồng, chị sử dụng số tiền hỗ trợ để đầu tư nâng cấp hệ thống tưới, sau khi trồng xong chị làm nhà lưới cho toàn bộ diện tích vườn dâu. Bên cạnh đó, chị còn thực hiện phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, hiện nay vườn dâu của chị thu hút rất nhiều du khách tới tham quan.

Bà Phạm Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang cho biết: “Đây là mô hình cây trồng mới giúp người dân chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mục tiêu sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng của huyện. Ngoài giá trị về kinh tế, mô hình còn thu hút lượng lớn khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm”. Với thành công bước đầu, chị Giàng Thị Sao chia sẻ: “Mong muốn tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái”.


Khách du lịch rất ưa thích trải nghiệm và tự thu hái, mua sản phẩm trực tiếp tại vườn.

Mặc dù, còn khá mới mẻ nhưng trước mắt có thể khẳng định dâu tây trồng phù hợp ở Na Hang, sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao so với nhiều giống cây trồng khác. Tuy nhiên, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng của huyện, của tỉnh cũng cần nghiên cứu kỹ, có những đánh giá chính xác, chi tiết về thổ nhưỡng, khí hậu, hiệu quả kinh tế của sản phẩm này để có quy hoạch hợp lý, bổ sung sản phẩm này vào kế hoạch trồng cây ăn quả của huyện; nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trồng dâu tây nói riêng hay sản xuất những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nói chung, tạo ra sản phẩm chất lượng, thương hiệu đặc trưng cho địa phương trong thời gian tới./.

Ngô Hùng

Tin cùng chuyên mục