Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Giải quyết vấn đề bức xúc nhất

Khẳng định quyết tâm thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, đây là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm chính trị. Chương trình tiếp tục là sự đồng lòng của Quốc hội và Chính phủ hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.

Tiến dần tới cho cần câu, phải tự câu cá

Là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ quan điểm của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 đó là, nếu được thông qua, chương trình này sẽ là một kỳ tích lịch sử. Và, tại Phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ về Chương trình do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT -XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đây sẽ là chương trình mục tiêu quốc gia có tính đặc thù, không chỉ đơn thuần là thúc đẩy sự phát triển KT - XH mà còn tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình sẽ kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi và hỗ trợ cho không với phương châm “vừa cho cần câu, vừa cho xâu cá” tiến dần tới “cho cần câu, phải tự câu cá”. 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ thêm, từ thực tiễn, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm về đầu tư các công trình, nên cần thực hiện “dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”; “xã, thôn có công trình, dân có việc làm để tăng thu nhập”. Xét về đặc điểm hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu chênh lệch nhau giữa hộ này và hộ khác, giữa nhóm dân tộc này với nhóm dân tộc khác, thì các khoản hỗ trợ trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp (có tính chất cho không) cần tiếp cận theo nhân khẩu.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình rất lớn, ước tính gần 272 tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng, nên khi thiết kế dự án khả thi của chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, sẽ ưu tiên hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bảo đảm đời sống đồng bào một cách bền vững.

Nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị

Khẳng định Chương trình có quy trình và cách làm rất chặt chẽ, tuy nhiên các đại biểu tham gia phiên họp mở rộng còn lưu ý về tính khả thi của Chương trình. Đơn cử, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh chỉ ra rằng, chương trình dự toán ngân sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho cả giai đoạn 2026 - 2030, nhưng liệu chúng ta có thể dự toán xa đến như vậy không, khi mà đầu tư công chỉ xây dựng cho giai đoạn 5 năm (tức là từ 2021 - 2025)? Chúng ta quyết định Chương trình này sẽ có tác động như thế nào đối với cân đối ngân sách của nhà nước giai đoạn sắp tới?

Một vấn đề nữa là tính dàn trải của chương trình. Hiện nay, ai cũng muốn đưa thêm nội dung vào Chương trình, nhưng khi nhìn lại Nghị quyết 88 của Quốc hội với mong muốn giải quyết triệt để đói nghèo, sự lạc hậu, tụt hậu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thì Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đang giải quyết 1 trong 8 nội dung của Nghị quyết 88. Và không phải các địa phương chỉ chờ ở một Chương trình này để chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu cứ thêm mục tiêu, nội dung thì có khi “mình đang tự làm khó mình”. Cho nên, cần xây dựng các phương án tập trung vào vấn đề bức xúc, bức thiết nhất, những vấn đề mang tính chất lan tỏa. “Cái gì cũng muốn, trong khi nguồn lực không có, cứ bôi mỗi chỗ một tý thì giải quyết đất ở không xong, nước sinh hoạt, đất sản xuất cũng không xong... Như vậy chúng ta lại lặp lại câu chuyện khi thực hiện các chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương rất đúng nhưng không bố trí được nguồn lực”, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nói.
Đi sâu vào từng dự án, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho rằng, một số dự án chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết 88. Đơn cử, dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy thế mạnh của từng vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị được coi là xương sống, nội dung cốt lõi của Chương trình lần này; song từng tiểu dự án trong dự án 3 chưa thực sự phát huy được thế mạnh của địa phương, từng tiểu vùng. Ví dụ, tiểu dự án 1 giao rừng cho người dân bảo vệ, mà không phải địa phương nào cũng có nhiều diện tích rừng để bảo vệ. Hay phát triển chăn nuôi, gia súc, gia cầm, liệu với tình hình dịch bệnh thế này, giá cả giảm sút thì có đáp ứng được yêu cầu xóa đói, giảm nghèo hay không? Tương tự gắn bộ đội với dân bản để tăng gia, đổi mới sản xuất cũng vậy, chỉ nên gắn bộ đội với dân bản ở các vùng biên, vùng hải đảo, kinh tế quốc phòng, chứ không phải nơi nào, chỗ nào cũng vậy. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đề nghị từng dự án đầu tư phải hiệu quả, đã đưa ra phải tính đến tính bền vững của dự án.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến tính khả thi khi bố trí ngân sách của cả giai đoạn và từng dự án, tiểu dự án. Làm rõ việc bố trí vốn cho từng năm gắn với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó tập trung giải quyết vấn đề bức xúc nhất đúng như yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình để trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất. Quan điểm là “chúng ta quyết tâm thông qua vì đây là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm chính trị”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kết luận.

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục