Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang luôn đạt mức tăng trưởng trên 4%/năm. Các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển mạnh, đồng thời có sự chuyển biến tích cực theo xu hướng sản xuất an toàn; một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã hình thành và phát triển tương đối ổn định, như: Vùng cam sành Hàm Yên, bưởi Yên Sơn, lạc Chiêm Hóa, chè Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên,…; một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa khai thác được hết các tiềm năng thế mạnh, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa nhiều; sản phẩm nông nghiệp làm ra chưa có được các kênh phân phối ổn định nên giá trị thu được còn thấp. Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm còn ít, chưa có sản phẩm nào có chỉ dẫn địa lý.


Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ - Chè Shan Tuyết, xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 04 sản phẩm trồng trọt đang được áp dụng sản xuất theo phương pháp hữu cơ, gồm: 1) lúa: Năm 2019, huyện Sơn Dương đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 3,0 ha và được chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017; sản lượng lúa hữu cơ của mô hình đạt 3,1 tấn, giá bán cao hơn sản xuất thông thường 34,2%. 2) chè: Năm 2019, có 02 doanh nghiệp tổ chức sản xuất chè thxãeo phương pháp hữu cơ đã được chứng nhận với diện tích 26,0 ha theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017; sản lượng chè hữu cơ đạt 65 tấn/năm, giá bán cao hơn sản xuất thông thường 30%. 3) cam: Năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây cam với diện tích 30,2 ha/05 nhóm sản xuất/17 hộ tại huyện Hàm Yên, sản lượng thu hoạch năm 2019 đạt trên 65 tấn; kết nối, đưa sản phẩm tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, 100 % sản phẩm cam hữu cơ bán ra được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 4) bưởi: Năm 2019, mô hình sản xuất bưởi hữu cơ được triển khai xây dựng tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; có 19 hộ/07 nhóm sản xuất, với diện tích 29,4 ha bưởi.

Tuy nhiên, hoạt động trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay đang diễn ra nhỏ lẻ, tự phát, chưa có doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất; sản phẩm làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định như sản phẩm bưởi hữu cơ chuyển đổi của Liên nhóm Yên Sơn; quy trình sản xuất khắt khe, nguồn vật tư đầu vào cho sản xuất chưa đa dạng, do vậy những người nông dân sản xuất trồng trọt hữu cơ tiên phong đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển mở rộng sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản được tỉnh xác định giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Chăn nuôi và thủy sản theo hướng sản xuất hữu cơ hiện nay mới hình thành, chủ yếu đang tập trung áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình, trang trại hoặc cơ sở được chứng nhận chăn nuôi hữu cơ.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trên cả nước, hiện nay có 30/63 tỉnh, thành phố đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Ngày 30/11/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 1386/QĐ-UBND về thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang; Hội Nông nghiệp hữu cơ đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2018, đã hướng dẫn, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tiếp cận, cập nhật thông tin về sản xuất, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Tính đến hết năm 2019, trên toàn tỉnh đã có 30,1 ha cam, 29,0 ha bưởi được chứng nhận sản xuất hữu cơ chuyển đổi theo tiêu chuẩn PGS; 26 ha chè và 3,0 ha lúa được chứng nhận sản xuất hữu cơ chuyển đổi theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017; các sản phẩm hữu cơ đều được tổ chức sản xuất liên kết với các doanh nghiệp để trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Những năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về chính sách khuyến kích phát triển kinh tế trang trại; Nghị quyết số 12/2014/NQ-HDND ngày 22/7/2014 về chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2021; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HDND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…

Về các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đại Thành khẳng định: Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thực hiện rất hiệu quả, đã hỗ trợ, tạo nguồn vốn, cung cấp cây, con giống cho nhiều tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Tuyên Quang chưa có cơ chế, chính sách riêng để áp dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; do phạm vi điều chỉnh, đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ có tính chất đặc thù, khác với các chính sách phát triển nông nghiệp hiện có của tỉnh; bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ không giống với sản xuất nông nghiệp thông thường,việc vận dụng các chính sách hiện có trên địa bàn tỉnh vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp phải khó khăn nhất định, chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.

Ngày 15/10/2018, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều quy định về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ, như: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ kinh phí xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ... Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có chương trình, dự án nào được xây dựng hoặc tổ chức, cá nhân nào được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ do các quy định tại Nghị định này chưa cụ thể và tỉnh cũng chưa ban hành chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. 

Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trình kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII. Để nghị quyết sau khi ban hành được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh cơ quan dự thảo nghị quyết cần rà soát kỹ các cơ chế, chính sách đã ban hành, đang thực hiện trong thời gian qua để tránh chồng chéo, mẫu thuẫn gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Chính sách ban hành phải tạo dựng được niềm tin về giá trị và lợi ích của chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ để thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Kim Phú

Tin cùng chuyên mục