Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chính sách của tỉnh thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển

Ngày 22/5/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 (Nghị quyết số 16) để thực hiện một trong ba khâu đột phá trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Bưởi Xuân Vân, huyện Yên Sơn được xếp Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018

Trước thời điểm Nghị quyết số 16 được ban hành, thực trạng nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, ở nhiều nơi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; năng xuất, chất lượng, giá trị và thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh hạn chế; sản xuất phát triển chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa hiệu quả; nhiều nơi nhất là vùng sâu, vùng xa sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp, đời sống của Nhân dân còn khó khăn. Nghị quyết số 16 của tỉnh khẳng định quan điểm phát triển nông nghiệp hàng hóa phù hợp với kinh tế thị trường, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; phát triển hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển. Phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu nghành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Với mục tiêu nhằm phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của Nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đến nay, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết số 16 đề ra trong giai đoạn 2016-2020 có 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu như lâm nghiệp tăng 5,5%/năm, thủy sản tăng 6,45%/năm, tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực/tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trên 62%, vùng cam tập trung, diện tích trồng lạc…vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra; còn 04 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, gồm: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm (đạt 3,88%/năm); giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác tăng 1,6 lần so với năm 2015 (đạt 1,4 lần); diện tích mía nguyên liệu 15.500 ha (đạt 4.539 ha, bằng 29,3%); tỷ trọng giá trị cá đặc sản/tổng giá trị sản phẩm thủy sản chiếm 21,68% (mục tiêu nghị quyết là 25%).

Sau khi Nghị quyết số 16 được ban hành đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 14 nghị quyết về cơ chế, chính sách và công tác quy hoạch để thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 36 quyết định, kế hoạch để tổ chức thực hiện nghị quyết. Các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành được tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển, điển hình là một số nghị quyết sau: 1) Nghị quyết số 03, ngày 13/7/2016 quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến nay tổng kinh phí thực hiện trên 1.366,336 tỷ đồng, trong đó kinh phí do ngân sách nhà nước bố trí hơn 928,594 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 437,742 tỷ đồng; hoàn thành đưa vào sử dụng 944,87km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, 470,62km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên. 2) Trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 12, ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; toàn tỉnh có 500 trang trại được hỗ trợ, với tổng số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất là 171,876 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ là 23,83 tỷ đồng; và 4.063 doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có tổ chức sản xuất hàng hóa một số loại cây trồng, vật nuôi được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 12, tổng kinh phí cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 204,370 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ là 34,959 tỷ đồng. 3) Nghị quyết số 05, ngày 13/7/2016 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, đã hỗ trợ vay vốn ngân hàng đối với 6 hợp tác xã, tổng số tiền 4,267 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 1,47 tỷ đồng hỗ trợ cho 34 hợp tác xã. 4) Nghị quyết số 03, ngày 25/7/2017 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; kết quả thực hiện đến nay và dự kiến hết năm 2020 hỗ trợ trồng rừng được hơn 3.635 ha, tổng vốn hơn 14,65 tỷ đồng. 5) Các nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; về phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng trồng; quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh… Từ chủ trương đúng và trúng, cơ chế, chính sách kịp thời, trong giai đoạn từ 2016 đến nay đã thu hút 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản, với tổng số vốn đầu tư hơn 5.951,59 tỷ đồng; đã có 22/30 dự án đưa vào sản xuất và đang triển khai thực hiện, trong đó có một số nhà đầu tư lớn như: Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam chuyên sản xuất, kinh doanh chăn nuôi gia súc, quy mô 20.000 lợn thương phẩm, 46.000 lợn giống/năm; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang chế biến các sản phẩm từ gỗ, công suất 150 m3/năm, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu; Công ty Hồ Toản đầu tư trang trại bò sữa kỹ thuật cao, quy mô 1.000 con bò sữa; Công ty cổ phần chè Sông Lô, chè Tân Trào, chè Mỹ Lâm, chè núi Kia Tăng; Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên… Các doanh nghiệp đã chú trọng sản xuất, chế biến, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩn nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương. Vùng sản xuất dần được hình thành với quy mô lớn, có chất lượng, hiệu quả và hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững. Hàng năm tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại, hội chợ cam, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để giữ vững các thương hiệu nông sản hàng hóa hiện có; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh: Sản phẩm chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân được Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế xếp đứng Top 10 Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018; chè Shan Tuyết Hồng Thái được công nhận sản phẩm hữu cơ và được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phấn đấu đến hết năm 2020 hỗ trợ tiêu chuẩn hóa cho các sản phẩm, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 sản phẩm OCOP có quy mô cấp huyện.


Người trồng chè đã từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống

 Có thể nhận thấy từ khi Nghị quyết số 16 và các cơ chế, chính sách của tỉnh được ban hành nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa được nâng lên, các nghị quyết được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; cơ chế, chính sách được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân đầu tư vào các dự án phát triển cây trồng, vật nuôi, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; quản tâm ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn được đẩy mạnh như diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp bền vững, hữu cơ, FSC; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. Sau thời gian triển khai thực hiện nghị quyết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,17%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước khoảng 3%); cơ cấu nông lâm nghiệp, thủy sản trong GRDP của tỉnh đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, qua đó góp phần quan trọng đẩy nhanh kế hoạch và chất lượng xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, có thể thấy một số giải pháp thực hiện chưa đạt yêu cầu, như: Chưa có sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý; sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường, đầu ra một số sản phẩm nhất là cây ăn quả còn gặp khó khăn; khả năng ứng dụng kết quả của đề tài, dự án khoa học công nghệ còn hạn chế; việc liên kết sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ còn ít; sản xuất một số cây, con giống chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu…

Trong giai đoạn tiếp theo từ nay đến năm 2025, các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn sơ kết đánh giá sâu sắc kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ rõ kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân hạn chế, bài học kinh nghiệm; xây dựng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện đến năm 2025 phải gắn tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung, nhiệm vụ thực hiện nghị quyết; tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh; đổi mới xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển hàng hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ ở nông thôn; tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín và hiệu quả; quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện đạt và vượt các mục tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2025./.

Ngô Hùng

Tin cùng chuyên mục