Hướng đến sự hài lòng của người dân
Công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế luôn được tỉnh xác định là "chìa khóa" để khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng và vận hành chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo và phục vụ của tỉnh. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp về tư duy đổi mới sáng tạo.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được tái cấu trúc quy trình giải quyết phù hợp cho việc số hóa hồ sơ, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết trong từng bước, gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ. Các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát cắt giảm từ thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp…
Đặc biệt, từ năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2022/QĐ-UBND về tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hầu hết, các địa phương, đơn vị đều thực hiện nghiêm quy định của tỉnh, được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Cán bộ phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang làm việc ngày thứ 7 hàng tuần để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Thành quả của sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ của tỉnh được thể hiện rõ nét, khách quan nhất qua sự ghi nhận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Xuyến, tổ 5, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang) chia sẻ: "Càng ngày việc giải quyết các thủ tục hành chính lại càng trở nên nhanh gọn, thuận tiện từ việc cắt giảm thủ tục, quy trình đến thời gian trả kết quả được rõ ràng minh bạch.
Mọi thứ trở nên dễ dàng, đơn giản nhanh chóng hơn khi người dân được hướng dẫn, tiếp cận, giải quyết thủ tục qua môi trường mạng. Phong cách làm việc chu đáo, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức cũng mang đến sự hài lòng, để chính người dân chúng tôi cũng tự thấy mình cần chủ động bắt nhịp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để trở thành công dân số, góp phần vào công tác cải cách hành chính ngày càng hiệu quả”.
Những nỗ lực, quyết tâm và đổi mới sáng tạo của tỉnh trong nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã mang lại những kết quả khá toàn diện. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 6 dự án hoàn thành đưa vào sản xuất, 3 dự án dự kiến hoạt động trong quý III/2023, nâng tổng số dự án hoàn thành, đi vào hoạt động 266 dự án, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động. Nổi bật là các dự án: Nhà máy sản xuất kinh doanh các loại bao bì Platstic tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng; Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản JW; Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Long Bình An; Dự án đầu tư sản sản xuất kinh doanh các loại bao bì pp container tại Cụm công nghiệp Sơn Nam...
Lắng nghe Nhân dân
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ngay từ cơ sở, gắn với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác đối thoại, giải quyết bức xúc của công dân ngay từ cơ sở. Người đứng đầu chính quyền các cấp của tỉnh đã thường xuyên thực hiện việc đối thoại trực tiếp với công dân để trao đổi, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của nhân dân, kịp thời giải đáp những thắc mắc, vận động, tuyên truyền nhân dân hiểu và làm theo các quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp 1.741 lượt, với 1.771 công dân, 1.593 vụ việc. Nội dung chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai như: quản lý sử dụng đất, tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng do nhà nước thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số lĩnh vực khác.
Việc tổ chức đối thoại đã giúp các cơ quan tham mưu và người giải quyết khiếu nại tìm hiểu rõ sự việc, có định hướng và biện pháp chỉ đạo đúng đắn, kết quả giải quyết tạo được sự đồng thuận nhất trí cao. Đồng thời, qua đối thoại cũng là dịp để người khiếu nại hiểu rõ các quy định của pháp luật, hiểu rõ chủ trương và chính sách; qua đối thoại nhiều trường hợp công dân tự nguyện rút đơn khiếu nại, đơn tố cáo. Trong trường hợp cần có sự tham gia của các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, các địa phương đã chủ động mời phối hợp làm việc để đảm bảo các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đều được xem xét, giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật, hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện vượt cấp.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can, huyện Na Hang bày tỏ, mới đây ông được đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện gặp gỡ, đối thoại liên quan đến kiến nghị của ông về việc đền bù 2 thửa đất của gia đình còn thiếu so với diện tích thu hồi thực tế. Tại buổi đối thoại, ông được các cơ quan chuyên môn của huyện trao đổi, giải thích về các quy định của pháp luật đất đai.
Đặc biệt, người đứng đầu huyện đã chỉ đạo ngay các cơ quan chuyên môn kiểm tra lại các hồ sơ thu hồi đất và thực tế thu hồi để làm sáng tỏ. "Từ đối thoại, người dân được nói, được sẻ chia, được giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề còn bức xúc cho xã, huyện được nghe, được biết, được định hướng, giải đáp đúng thẩm quyền ngay tại cuộc họp. Người dân chúng tôi có thêm niềm tin đối với cấp ủy đảng, chính quyền" - Ông Toàn chia sẻ.
Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ đã và đang tạo sự gắn kết, gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với Nhân dân và giữa Nhân dân với chính quyền, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động công vụ.