Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 ước đạt 10.793 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 4,9%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trên 4%/năm); cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,8% cơ cấu GRDP của tỉnh. Năm 2022 có 50,8% số xã và năm 2023 ước có 60,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản đảm bảo lộ trình thực hiện mục tiêu nghị quyết. Các địa phương hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề thuận lợi đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai phát biểu tham luận tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ, đánh giá tình hình triển khai, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của cả nước và trong khu vực, quá trình phát triển của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, bền vững của tỉnh ta còn bộc lộ một số hạn chế, thể hiện rõ nhất ở một số vấn đề như: Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao; phương thức sản xuất của nông dân phần lớn theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy có tăng về số lượng và giá trị nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng đáng kể; chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, một số nông sản thực phẩm chưa bảo đảm an toàn. Việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mặc dù có những chuyển biến tích cực song sức lan tỏa chưa lớn, một số kết quả nghiên cứu chậm áp dụng vào thực tiễn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về nông nghiệp hàng hóa ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; sự phối hợp giữa cấp và ngành trong thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa chặt chẽ; một số văn bản hướng dẫn của liên ngành chưa đồng bộ; tiến độ thẩm định, thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền vay cho người dân còn chậm; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra với mục tiêu “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21%; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm; Giá trị xuất khẩu hàng hóa trên 135 triệu USD” và tiếp tục duy trì, giữ vững những chỉ tiêu, kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm chủ lực, cần quan tâm một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 21/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của HĐND tỉnh đã ban hành. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giải quyết khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá đủ mạnh, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển. Có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản làm nòng cốt thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, vùng miền; gắn sản xuất với chế biến, với nhu cầu thị trường, theo chuỗi giá trị, theo vùng chuyên canh, tập trung, không ngừng nâng cao giá trị nông sản.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị. Chú trọng áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp như: VietGAP, GlobolGAP, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nhà mạng, nhà lưới...
Bốn là, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản, các hoạt động kết nối cung cầu; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tham gia các hội chợ quốc tế lớn ngành nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đang có triển vọng, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ để kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, đồng thời tạo dựng khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, toàn diện.
Năm là, chú trọng đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng có hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu tạo liên kết vùng, hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng thương mại, hạ tầng số, hạ tầng xã hội để hình thành và phát triển hệ thống sản xuất, thu mua, chế biến, cung ứng, tiêu thụ nông sản hiện đại gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, thông minh, bền vững gắn với thị trường trong nước và thế giới.
Sáu là, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, văn hóa và tinh thần chủ động vươn lên của nông dân và cư dân nông thôn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện vai trò “bà đỡ” để đưa vốn, thị trường, tri thức, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và chuỗi giá trị; mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, vì vậy rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.