Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Qua giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cho thấy trong hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại một số địa phương bên cạnh ưu điểm có một số hạn chế: Đại biểu HĐND không thực hiện việc báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và hoạt động của HĐND nơi mình là đại biểu theo quy định tại khoản 1, Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.


Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Tuyên Quang giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang)

Tại hội nghị TXCT, một số đại biểu HĐND chưa thực hiện được việc trả lời trực tiếp kiến nghị của cử tri liên quan quy định của pháp luật, của địa phương, cơ chế chính sách của tỉnh, chủ yếu tiếp thu kiến nghị của cử tri chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc tổng hợp, phân loại kiến nghị cử tri không đúng thẩm quyền dẫn đến có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của xã gửi huyện, của huyện gửi tỉnh hoặc có kiến nghị cử tri đã được trả lời nhiều lần nhưng đại biểu vẫn tiếp thu và chuyển kiến nghị của cử tri. Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các huyện, đặc biệt báo cáo của các xã còn chung chung, chưa chỉ ra được các hạn chế trong giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, chưa đưa ra đề nghị, kiến nghị cụ thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát giải quyết đến cùng các kiến nghị chính đáng của cử tri.

Để thực hiện hiệu quả hoạt động TXCT và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đại biểu HĐND thực hiện nghiêm túc quy định tại khoản 1, Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu tại hội nghị TXCT sau kỳ họp HĐND thường kỳ cuối năm. Văn phòng - cơ quan tham mưu giúp việc HĐND các cấp chịu trách nhiệm giúp Thường trực HĐND chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri.

Thứ hai, trước khi tiếp xúc cử tri, đại biểu cần nắm tình hình địa phương nơi đại biểu chuẩn bị đến tiếp xúc cử tri, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ tài liệu, nội dung báo cáo trước cử tri; các nghị quyết về cơ chế, chính sách của tỉnh; rà soát, tổng hợp những kiến nghị, vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước đã được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời để báo cáo với cử tri.

Về tài liệu TXCT: Ngoài các tài liệu do Thường trực HĐND chuẩn bị, các đại biểu chủ động nghiên cứu, chuẩn bị thêm các tài liệu khác liên quan như thông tin về tình hình trong nước và quốc tế; các thông tin liên quan đến địa bàn mình thực hiện việc TXCT; các chính sách, luật mới ban hành, các vấn đề mà cử tri thường hay có kiến nghị như đầu tư xây dựng hạ tầng, đường giao thông, điện, thủy lợi, hệ thống cấp nước, giống cây trồng, vật nuôi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý tài nguyên, khoáng sản, chế độ chính sách...

Thứ ba, đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND có trách nhiệm tổng hợp, phân loại các kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền giải quyết của từng cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Sau TXCT Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND làm việc, trao đổi với UBND nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu để thông báo những vấn đề mà cử tri trên địa bàn quan tâm, kiến nghị và tổng hợp các kiến nghị gửi về Thường trực HĐND. Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri thể hiện đầy đủ vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh, kiến nghị để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp thu, xem xét, giải quyết, trả lời cử tri.

Các kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND cùng cấp phân loại chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định. Các kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh chuyển UBND tỉnh; các kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã chuyển cho UBND cấp huyện, xã; các kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động truy tố, xét xử, thi hành án chuyển Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và chi Cục Thi hành án dân sự.


Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Tuyên Quang làm việc với UBND thành phố về nội dung giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thứ tư, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo các Điều 74, 76 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri; đồng thời báo cáo cho cử tri biết kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri (thông qua việc tiếp xúc cử tri và các hình thức thích hợp khác). Trước các kỳ họp thường lệ hoặc hằng tháng Thường trực HĐND giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND. Các Ban của HĐND huyện, xã thực hiện việc thẩm tra báo cáo của UBND cùng cấp về kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri theo sự phân công của Thường trực HĐND, báo cáo Thường trực HĐND.

Để việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri có chất lượng, cần thực hiện các bước sau: (1) Ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kèm theo kế hoạch và đề cương giám sát. (2) Trên cơ sở báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của UBND, Thường trực HĐND lựa chọn kiến nghị cử tri để giám sát thực tế. (3) Xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Báo cáo kết quả giám sát được tổng hợp trên cơ sở báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và giám sát thực tế việc giải quyết kiến nghị cử tri. Báo cáo cần đánh giá cụ thể kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri (số đã giải quyết xong; số đang giải quyết; số chưa giải quyết được do chưa có nguồn lực hoặc chưa có quy định của Trung ương; chỉ rõ các kiến nghị cử tri đã kiến nghị nhiều năm, nhiều lần nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm; kiến nghị của cử tri chậm được giải quyết theo chỉ đạo của UBND; báo cáo đã giải quyết xong nhưng qua giám sát cho thấy chưa hoàn thành hoặc chưa thực hiện đúng lộ trình như đã trả lời cử tri; trả lời chưa đúng với nội dung cử tri kiến nghị…); chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế (nguyên nhân chủ quan, khách quan), trách nhiệm của cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri; kiến nghị cụ thể với từng cấp, từng ngành trong giải quyết từng kiến nghị cử tri.

Phan Thị Mỹ Bình
Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục