Giữ người dân “ở lại” với dịch vụ công

Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội nhấn mạnh ưu tiên cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân. Làm thủ tục hành chính - giấy tờ trực tuyến là một trong những giải pháp giúp đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn thấp và gặp nhiều khó khăn khi sử dụng. Do đó, để “kéo” người dân tích cực sử dụng dịch vụ; và “giữ chân” người dân “ở lại” với các cổng dịch vụ công thì hoàn thiện chức năng cung cấp dịch vụ công; nâng cao trải nghiệm cho người dùng là hai nhóm công việc Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần ưu tiên làm sớm.

Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là một trong những mục tiêu chiến lược trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ ban hành năm 2020. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính giấy tờ nhanh chóng hơn, tiện dụng hơn là một trong những trụ cột quan trọng nhất của Chính phủ điện tử. Chuyển đổi số - đưa công nghệ số vào hoạt động hàng ngày của bộ máy hành chính nhà nước để phục vụ người dân thì điều quan trọng sát sườn nhất, với người dân chắc chắn là giấy tờ, thủ tục. Do đó, ưu tiên chiến lược của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý.

Ưu tiên đó đang được cụ thể hóa bằng hành động và kết quả. Về mặt pháp lý, Chính phủ đã cơ bản hoàn thiện các quy định pháp lý, trong đó gần đây nhất là ban hành Nghị định 42/2022/NĐ-CP về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP). Từ tháng 12.2019, Chính phủ đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động cổng dịch vụ công quốc gia; cho phép doanh nghiệp người dân, doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến. Như vậy, những nền tảng cơ bản nhất, gồm pháp lý và hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng và vận hành trên thực tế. Đến nay 63 tỉnh, thành phố, 100% bộ ngành đã có cổng dịch vụ công hoạt động.

Chính phủ, trực tiếp là Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chú trọng thúc đẩy việc hoàn thiện và mở rộng sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bằng chứng là trong năm 2021, chủ đề cung cấp dịch vụ công trực tuyến được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là chủ đề chính trong Báo cáo thường niên đầu tiên về chuyển đổi số. Cách đây hơn 1 tháng, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng chọn cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chủ đề của phiên họp chuyên đề đầu tiên.

Bước đầu doanh nghiệp và người dân đã biết đến và thực hiện thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công. Cụ thể, thống kê của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 đạt 1,78%; năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 đạt gần 18%. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực tế sử dụng dịch vụ ban đầu như vậy vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là chức năng của các dịch vụ trực tuyến chưa hoàn thiện và chưa dễ dàng sử dụng. Thực tế, số lượng dịch vụ công có thể làm “toàn trình” - tức trực tuyến hoàn toàn, vẫn còn rất ít ỏi. Nộp hồ sơ thường gặp lỗi, vẫn phải bổ sung bản giấy; và khi gặp khó khăn thì các hỗ trợ từ đường dây nóng, từ cán bộ nhận hồ sơ lại thường thiếu vắng.

Tuy nhiên, tỷ lệ người sử dụng thấp cũng hàm ý rằng, cơ hội để mở rộng diện bao phủ dịch vụ và gia tăng lợi ích cho người dân trong thời gian tới rất lớn. Hai nhóm việc ưu tiên mà Chính phủ, đầu mối là Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, cần tập trung. Thứ nhất, hoàn thiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho 25 dịch vụ công thiết yếu nhất, tức có nhiều người sử dụng nhất (chứ không nhất thiết phải triển khai đồng loạt với hơn 2.000 loại dịch vụ công, - tức là chạy theo số lượng - như hiện nay). Thứ hai, tập trung nâng cao trải nghiệm cho người dùng dịch vụ thông qua cải tiến giao diện dễ sử dụng và thân thiện hơn.

Làm được như vậy, “hành chính giấy tờ” từ chỗ là “nỗi ác mộng” của người dân, doanh nghiệp, sẽ trở thành điểm cộng của chính quyền số thân thiện và chuyên nghiệp trong mắt người dùng.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục