Cải cách phải thực chất

Ngay sau phản ánh của đại biểu Quốc hội và người dân, doanh nghiệp về tình trạng thủ tục hành chính đang là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản 493/TTg-KSTT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn quyết liệt hơn và bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Đây là chỉ đạo kịp thời của người đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân đang gặp nhiều khó khăn và tương lai thì đầy bất trắc.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Mục tiêu là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12.5.2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15.7. 2021 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6.10. 2022.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành có sự tham gia của nhiều đơn vị; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa phải trình Thủ tướng phê duyệt trước ngày 30.9.2023.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh”. Đồng thời, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả.

Có thể thấy, nhiệm vụ, mục tiêu và thời hạn cắt giảm thủ tục hành chính đã được đặt ra cụ thể. Đây là áp lực cần thiết cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác này. Điều quan trọng tiếp theo là phải bảo đảm tính thực chất của cải cách.

Trong Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ của các bộ, ngành “có tinh thần cải cách” nhưng vẫn để lại “nhiều điều băn khoăn về tính thực chất”.

Nhìn chung, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ được phê duyệt không có gì mới, Báo cáo đánh giá. Các bộ, ngành tập trung chủ yếu vào việc bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có và/hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan nhà nước; bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số mẫu tài liệu; giảm số lượng hồ sơ phải nộp - thường rút xuống còn 1 bộ hồ sơ; giảm thời gian giải quyết thủ tục…

Về cơ bản, các phương án trên sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; đặc biệt là đề xuất giảm thời gian giải quyết một số thủ tục. Tuy nhiên, những đề xuất này vẫn chưa “đủ mạnh”, chưa mang tính đột phá. Một số đề xuất mang tính hình thức, gần như không có tác động nào trong việc tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn khá nhiều quy định bất cập, gây khó cho doanh nghiệp, song những quy định này gần như thiếu vắng trong các phương án đề xuất của các bộ. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn đặt dấu hỏi về tính thực chất trong các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ nếu đạt được là rất đáng quý! Nhưng, chỉ có những cải cách thực chất mới mang lại hiệu quả thực sự và những cải cách thực chất mới là điều cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong đợi!

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục