Cơ học, chậm và chưa hiệu quả

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ. Đây là nhận định được nêu trong báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ Năm tới về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương của Đảng, và cũng được nêu rõ trong Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị cần phải tuân thủ vì mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách. Quan trọng hơn, sắp xếp, tổ chức bộ máy để bảo đảm sử dụng “đúng người, đúng việc, đúng chất lượng”.

Thật đáng mừng, sau nỗ lực triển khai các nghị quyết, kết quả sau sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, ngành đã giảm 301 đầu mối tổ chức bên trong. Theo đó, giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 11 cục, giảm 143 vụ. Ngoài ra, giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành và giảm 108 phòng thuộc vụ/ban thuộc bộ, ngành.

Không chỉ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, thời gian qua, việc sắp xếp và thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra. Hội nghị lần thứ Sáu, Trung ương Khóa XII đã ban hành riêng nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội cũng yêu cầu, khẩn trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, theo lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội. Thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở y tế…

Thực tế cho thấy, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta hiện còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; số lượng viên chức ngày càng tăng nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập quá lớn, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Thực tế này đòi hỏi cần sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chủ yếu mới chỉ là “giảm đầu mối”. Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ. Việc thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý triển khai còn chậm. Ngoài ra, việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ như: tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn hạn chế, tiến độ chậm, mức độ tự chủ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công không đồng đều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái “khó” trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực nhà nước trong thụ hưởng ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Vai trò của người đứng đầu trong việc sắp xếp, tổ chức chưa được thể hiện hết trách nhiệm. Và có một nguyên nhân quan trọng khác nữa đó là còn độ trễ lớn trong tổ chức thực hiện; chưa có chính sách mang tính chất “đòn bẩy” để thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực này.

Có thể nói, chủ trương sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập rất đúng và trúng so với yêu cầu xã hội, thực tiễn đặt ra. Vấn đề là cần tạo cơ chế, chính sách để bảo đảm việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả thực chất, tránh sáp nhập cơ học. Bởi xét đến cùng, hoạt động của các đơn vị sau sắp xếp hiệu quả thế nào mới là điều quan trọng, chứ không phải là số lượng các đơn vị sắp xếp được là bao nhiêu. Muốn vậy, ngoài gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, rất cần hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ chế, chính sách đủ thuận lợi, hấp dẫn và an toàn để các đơn vị chủ động thực hiện. Và cần phải khắc phục cho được tình trạng sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập chỉ là sự sáp nhập cơ học để đối phó và chưa phát huy hiệu quả.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục