Khó sống được bằng lương, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc
Dù Chính phủ đã thực hiện nhiều đợt cải cách tiền lương, nhiều lần điều chỉnh lương tăng nhưng người lao động, cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách đến nay vẫn không sống được bằng lương.
Dẫn thống kê của Bộ Nội vụ, bài báo "Công chức, viên chức khó sống được bằng lương" của báo Quân đội nhân dân cho biết: Từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc - chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96%; ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04%.
Số liệu thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%), tập trung ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.
Đây là thực trạng hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, bởi hai ngành này mang đặc thù riêng, ảnh hưởng lớn đến học sinh và đến người bệnh.
Nhận định về con số trên, Bộ Nội vụ thẳng thắn nêu rõ, vấn đề nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở cả hai góc độ.
Đó là, việc dịch chuyển này là xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế - xã hội của một quốc gia, là sự "phân công lao động" theo quy luật thị trường.
Đây là cơ hội để tuyển dụng mới (thay thế), cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Đồng thời, việc dịch chuyển này cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.
Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ Nội vụ đã chỉ rõ, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cán bộ mới ra trường tiền lương trên dưới 3 triệu/ 1 tháng đồng, các bạn trẻ sống kiểu gì?
Là người công tác trong ngành y tế nhiều năm, PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh) bày tỏ trăn trở: "Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên tôi thấy rất đau lòng. Cán bộ mới ra trường chỉ nhận trên dưới 3 triệu đồng, các bạn trẻ sống kiểu gì?".
[Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Mỗi tháng ký trả lương cho nhân viên, tôi rất đau lòng!]
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Mỗi tháng ký trả lương cho nhân viên, tôi rất đau lòng!ĐỌC NGAY
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tâm tư rằng, học để trở thành bác sĩ mất 6 năm nhưng chỉ nhận được bằng tốt nghiệp đại học, còn muốn hành nghề trong bệnh viện phải trải qua rất nhiều bậc học, khóa học như nội trú chuyên khoa và trải qua thời gian thực tập mới được cấp chứng chỉ hành nghề...
"Thế nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính. Ai cũng có gia đình, nhiều việc cần lo toan, nhưng với mức lương như vậy làm sao có thể nuôi sống được bản thân?", đại biểu bày tỏ và cho rằng, hai năm đại dịch càng làm cho đời sống cán bộ ngành y thêm nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính.
Trong khi đó, nhiều cán bộ ngành y có tay nghề, có kinh nghiệm được cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng mời về hợp tác với mức lương cao hơn và môi trường phát triển nghề nghiệp tốt hơn...
Mặt khác, trước một số ý kiến cho rằng, nếu cán bộ y tế nghỉ việc ở cơ sở công lập để làm việc tại cơ sở y tế tư nhân cũng là phục vụ cho xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan không đồng tình với quan điểm này mà chỉ ra rằng, việc cán bộ y tế nghỉ việc sẽ thiệt thòi cho đại đa số những người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo, người yếu thế.
Tiền lương không đủ sống, công chức, viên chức "chân ngoài dài hơn chân trong"
Theo đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, dù Nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn thu nhập cần phải có để bảo đảm mức sống.
Vì thế, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức "chân trong, chân ngoài" đã có từ lâu, nhưng với những người có trách nhiệm và năng lực thì "chân ngoài không dài hơn chân trong".
Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người không giữ được đạo đức sẽ dẫn đến "chân ngoài dài hơn chân trong", chủ yếu lo các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, qua đó ảnh hưởng không tốt đến công việc và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
Đồng quan điểm trên, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3/2023 vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng: Hiện chế độ chính sách cho cán bộ các cấp nói chung, mặc dù thời gian qua đã có nhiều cố gắng, có chế độ định kỳ tăng lương, nhưng hình như với chế độ chính sách hiện hành, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình thì hết sức khó khăn.
Còn lại một tỷ lệ sống được cũng nhờ vào các nguồn khác: Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng…, tức là có sự hỗ trợ cho nhau để hoàn thành công việc. Còn chế độ như hiện nay thì cán bộ rất khó khăn, đặc biệt là cấp cơ sở.