Triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025

Sáng 18-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025.
Video không hợp lệ

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: "Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích". Các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.

Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn", "nút thắt" bước đầu kiến tạo không gian phát triển; báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa; phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035. Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.

Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng).

Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, quảng bá hình ảnh và góp phần củng cố vị thế quốc tế của đất nước...


Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn hóa có tính dân tộc, đại chúng, khoa học. Năm 2024, kinh tế - xã hội đất nước đạt những thành tựu quan trọng; vượt qua những khó khăn, thiên tai, lũ lụt, công tác an sinh xã hội được thực hiện rất tốt... đó chính là sức mạnh nội sinh, khẳng định truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bài học kinh nghiệm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần lưu ý để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới là: Tập trung quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của ngành; xây dựng con người có trách nhiệm, nhiệt huyết với ngành, đặc biệt là người đứng đầu; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, quốc tế hóa được giá trị văn hóa, bản sắc, giá trị tinh hoa văn hóa của Việt Nam…

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngành cần hoàn thiện thể chế, tạo đột phá, động lực, nguồn lực cho phát triển theo hướng phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, chấm dứt tình trạng xin - cho, bỏ tư duy không quản được thì cấm; đẩy mạnh phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch toàn diện, đặc biệt là hạ tầng số; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế chính sách cụ thể, đào tạo từ sớm, từ xa, có cơ chế đặc thù để “giữ chân” người tài, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo; có các giải pháp huy động các nguồn lực cho sự phát triển của ngành; xây dựng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt tạo ra phong trào, xu thế để phát triển; đặc biệt phải làm sao để người dân hưởng thụ được các thành quả của ngành một cách thỏa đáng nhất.

Thủ tướng yêu cầu, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tăng tốc bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra.

Tin: Theo Báo Tuyên Quang
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục